Đại khái, MU chi 1,3 tỷ bảng để mua cầu thủ trong khi thu về gần 400 triệu bảng tiền bán cầu thủ, nghĩa là đội này tiêu 0,9 tỷ bảng. Juventus hoặc AC Milan cũng là những đội tốn kém rất nhiều trên thị trường chuyển nhượng, xem ra chẳng lạ. Bất ngờ là ở chỗ, trong Top 10 còn có cả những CLB không nổi tiếng lắm, như Everton hoặc Aston Villa.
Giả sử phải làm một cuộc xếp hạng tương tự: những CLB Anh mất tiền nhiều nhất trên thị trường chuyển nhượng trong vòng 5 năm gần đây, thì Liverpool sẽ… không được xếp hạng. Premier League hiện thời chỉ có hai đội không lọt được vào bảng xếp hạng này, và đấy chính là hai đội đang chuẩn bị gặp nhau: Burnley và Liverpool. Khác biệt: Burnley không có tiền để tốn, còn Liverpool thu về nhiều hơn chi ra, nên họ chỉ có khái niệm thu tiền lời chứ không biết khái niệm tốn tiền.
Liverpool bán Philippe Coutinho cho Barcelona với giá 142 triệu bảng (đấy là một phần nguyên nhân vì sao Barcelona “có thứ hạng cao” trong danh sách các đội tốn tiền chuyển nhượng nhiều nhất châu Âu). Tổng quát, đội chủ sân Anfield thu về 321 triệu bảng tiền bán cầu thủ trong khi chỉ phải chi ra 234 triệu bảng để mua cầu thủ trong vòng 5 năm gần đây. Lời gần 90 triệu bảng!
Tiền bạc chỉ là một vấn đề, trong bóng đá cũng như trong cuộc sống. Hẳn nhiên, giới mộ điệu bóng đá sẽ quan tâm hơn đến thành tích chuyên môn hoặc sự thể hiện trên sân. Trong 5 năm “có lãi” vừa qua, điều quan trọng nhất với Liverpool vẫn là chức vô địch đầu tiên trong kỷ nguyên Premier League (và là danh hiệu VĐQG đầu tiên sau 30 năm chờ đợi), đi kèm với 2 lần đá trận chung kết Champions League (một lần vô địch).
Bóng đá, suy cho cùng, là những cuộc tranh chấp danh hiệu, đọ sức chuyên môn. Làm gì thì làm, miễn sao tiến được đến những thành công ấy. Để quy tụ được lực lượng cần thiết cho các mục tiêu ấy, mỗi đội có mỗi hướng đi, cách làm riêng. Chi tiền mua sắm cầu thủ (thay vì tự thân đào tạo lực lượng hoặc cố chi tiêu một cách có hiệu quả) cũng là một cách làm.
Các đội nhà giàu dễ dàng hỏi ngược: “Tại sao tôi phải đào tạo, nếu tôi đủ tiền để mua thành quả đào tạo của đội bóng khác?”. Tương phản giữa Liverpool và Burnley do vậy chỉ là: Liverpool vẫn xoa tay đếm tiền lời trong khi chính họ rất thành công với các mục tiêu chuyên môn. Burnley thì không thành công trong cái mục tiêu tối thượng (chuyên môn) của một đội bóng. Họ chỉ có lãi… một cách bất đắc dĩ? Có còn hơn không: Burnley có thể tự hào so với các đội vừa không có lãi, vừa chẳng có gì đáng để tự hào về thành tích chuyên môn.
Trận Burnley vs Liverpool đêm nay sẽ là trận đấu giữa hai trong những trường hợp tiêu biểu của bóng đá nhà nghề. Một Burnley “ít ra cũng không mang nợ” phải cố chống chọi với một Liverpool “khía cạnh nào cũng thành đạt”. Họ đều có chỗ đáng xem, và nghiền ngẫm!