Lịch sử Barca được đánh dấu bởi những cuộc chuyển giao, mà người kế thừa không chỉ bảo tồn được di sản của người đi trước, mà còn phát triển nó lên một tầm cao mới. Rinus Michels chính là “người truyền đạo”, khi đem thứ bóng đá tổng lực của người Hà Lan tới xứ Catalunya. Học trò xuất sắc nhất của ông ở Barca chính là Johan Cruyff, dù họ chỉ gắn bó với nhau trong một mùa 1973/74.
Chính Cruyff sau này trở lại Camp Nou, để mở ra một kỷ nguyên huy hoàng cho đội bóng xứ Catalunya ở thập niên 1990. Và dù người ta vẫn nhớ đến đội bóng của ông với biệt danh Dream Team, trái tim của đội bóng khi ấy lại là tiền vệ trưởng thành từ lò La Masia có cái tên Pep Guardiola. Hơn 20 năm sau, chính cậu học trò kiệt xuất của Thánh Johan lại được bổ nhiệm làm HLV, và biến Barca thành “độc cô cầu bại” của La Liga và cả châu Âu.
Ở giai đoạn hoàng kim ấy, Barca thường khiến các đối thủ ức chế vì… luôn phải chạy theo bóng. Họ nắm chắc thế trận trong tay bằng khả năng cầm bóng siêu hạng của hàng tiền vệ, ru ngủ đối phương bằng những pha đập nhả nhuần nhuyễn trước khi tung đòn kết liễu khi phát hiện ra sơ hở. Đó chính là lối đá tiqui-taca đã giúp Barca thống trị La Liga và cả châu Âu suốt nửa thập kỷ, và đưa đội tuyển Tây Ban Nha với nòng cốt là các thành viên của đội bóng xứ Catalunya tới hai chức vô địch EURO và một chức vô địch World Cup.
Từ “tiqui-taca” ấy vốn để chỉ tiếng “tíc tắc” của đồng hồ, và người chịu trách nhiệm “lên dây cót” cho “chiếc đồng hồ” Barca không phải ai khác ngoài Xavi. Tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá Tây Ban Nha kể từ Pep Guardiola không chỉ thông minh, mà còn có nhãn quan chiến thuật tuyệt vời và sự mẫn cảm đặc biệt với nhịp độ trận đấu. Chứng kiến Xavi chơi bóng, người ta có thể biết trước anh sẽ trở thành một HLV xuất sắc.
Giờ thì điều đó đang dần trở thành sự thật. Xavi đang đi trên chính con đường mà Pep từng trải qua. Ở giai đoạn xế chiều, “số 4” huyền thoại của sân Camp Nou từng chơi bóng tại Qatar trong màu áo Al-Ahli, trước khi trở lại nắm Barca B một mùa rồi được đôn lên dẫn dắt đội 1. “Số 6” thì dành 4 năm cuối của sự nghiệp chơi cho Al Sadd, trước khi bắt đầu dẫn dắt chính đội bóng Qatar này kể từ năm 2019. Và nếu như Pep từng đưa Barca B thăng hạng ở mùa duy nhất dẫn dắt thì Xavi còn ấn tượng hơn, khi giúp Al Sadd giành 7 chiếc cúp trong 2 mùa gắn bó.
Giống Pep Guardiola, Xavi cũng tôn sùng triết lý của Johan Cruyff. Anh thậm chí còn được coi là người thừa kế của chính Pep tại đội 1 của Barca. Vì thế, không ngạc nhiên khi với chiến lược gia 41 tuổi này, cầm bóng cũng chính là lẽ sống. Trả lời phỏng vấn tờ Diari Ara vài năm trước, Xavi từng thừa nhận: “Tôi bị ám ảnh bởi việc kiểm soát bóng. Tôi luôn cảm thấy không thoải mái khi không có bóng trong chân”.
Cũng giống Pep, ngoài việc giữ lấy trái bóng, Xavi còn thích mở ra những khoảng trống và gây áp lực từ tuyến đầu. Đó không phải là con đường duy nhất dẫn tới chiến thắng. Chính anh cũng từng nhận xét là “có hai cách để chơi bóng, một là lối chơi trực tiếp và thiên về sức mạnh, một là ưu tiên sự kết dính cùng những pha đập nhả”. Nhưng tất nhiên, Xavi chọn cách thứ hai vì anh “yêu thích việc cầm bóng và những đường chuyền”. Một lý do nữa là vì nó… vui hơn và “khán giả sẽ được tận hưởng trận đấu nhiều hơn”.
Giờ thì người nhạc trưởng tài hoa đã trở lại. Khác với Pep, Xavi tiếp quản Barca ở giữa mùa giải và phải đối mặt với di sản tồi tàn mà Koeman để lại. Vì thế, sẽ khó đặt ra một yêu cầu quá lớn với cựu tiền vệ này. Tuy nhiên, màn tái xuất của Xavi vẫn mang một ý nghĩa trọng đại. Đó là tiqui-taca cũng sẽ trở lại, để khép lại cuộc khủng hoảng triết lý đã kéo dài suốt từ khi Pep rời khỏi Camp Nou.
5. Trong đội hình Barca hiện tại có 5 cầu thủ từng là đồng đội của Xavi ở Camp Nou. 4 trong số đó, tình cờ lại đang là các đội trưởng và đội phó của đội bóng gồm Busquets, Pique, Alba và Roberto. Người thứ 5 là thủ thành Ter Stegen.