Câu chuyện VPF tố chủ tịch CLB Hải Phòng – ông Văn Trần Hoàn có những phát ngôn “công kích và bôi nhọ” BTC V.League bắt nguồn từ quyết định dời giải trong thế “tiến thoái lưỡng nan” của LĐBĐ Việt Nam (VFF). Tuy nhiên, qua nỗi bức xúc của chủ tịch CLB Hải Phòng, chính VPF cần phải cân nhắc đảm bảo quyền lợi giữa ban tổ chức và các đội bóng V.League để hóa giải những mâu thuẫn. Vì chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu người trong kẹt.
VFF, vì đội tuyển hay vì CLB?
Ngày 6/8 vừa qua VFF đã thông qua phương án lùi V-League 2021 đến ngày 12/2/2022. VFF cho rằng phương án này đảm bảo lợi ích, trách nhiệm của các CLB chuyên nghiệp với nhà tài trợ đồng thời giúp đội tuyển VN và U22 VN làm nhiệm vụ ở ba đấu trường quan trọng là vòng loại World Cup 2022, vòng loại U23 châu Á, AFF Suzuki Cup 2022 từ tháng 9 đến hết tháng 12/2021.
Trước khi được VFF thông qua, VPF đã trưng cầu ý kiến của các CLB và bị phản đối kịch liệt. Phần lớn các CLB không đồng tình với phương án lùi V-League đến tháng 2/2022. Dù vậy, VPF vẫn bảo lưu quan điểm và trình VFF. Sau đó, VFF đã xin ý kiến các thành viên ban chấp hành và quyết định lùi V-League 2021 sang năm 2022.
Lần đầu tiên trong lịch sử, giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam bị “vắt” sang năm tiếp theo Dương lịch. Điều này kéo theo hệ lụy xấu với các CLB tham dự V.League. Nếu tính từ tháng 5, khi giải dừng vì Covid-19, đồng thời để đội tuyển Việt Nam hội quân đá vòng loại World Cup 2022, V-League 2021 sẽ nghỉ tới gần 9 tháng.
Quãng thời gian này quá dài, ảnh hưởng không nhỏ tới phong độ của các cầu thủ. Bên cạnh đó, việc không thi đấu cũng đem đến những khó khăn về công tác quản lý, tổ chức đội bóng. Nhưng đáng ngại hơn cả là việc nhiều CLB không có tiền để trả lương cho cầu thủ. Cần biết rằng, đa số đội bóng V.League đều sống dựa vào tiền của nhà tài trợ, bao gồm cả khoản trả lương mỗi mùa.
Tuy nhiên, VFF cũng có cái khổ khi đứng trước áp lực phải chuẩn bị thật tốt cho ĐTQG cho vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Nói gì thì nói, ĐTQG là bộ mặt, thể diện của một nền bóng đá.
“Cơn đau đầu” mang tên V.League
Không đồng tình với quyết định này của VFF và VPF, Chủ tịch Văn Trần Hoàn của CLB Hải Phòng bức xúc: “Quyết định lùi V-League 2021 đến tháng 2/2022 là độc đoán, vô lý của những người có trách nhiệm. Sau những chỉ trích công khai của chúng tôi, VPF đã lấy ý kiến trưng cầu.
Kết quả: 8/14 CLB V-League không đồng ý với quyết định dời lịch thi đấu VPF đã đưa ra. Với kết quả này, lẽ ra VPF phải thay đổi quyết định của mình hoặc họp các đội lại để thống nhất phương án. Nhưng VPF, VFF vẫn quyết định hoãn giải đến tháng 2/2022 mà không đếm xỉa gì đến lợi ích của các CLB”.
Cùng ý kiến với ông , Tổng giám đốc B.Bình Dương, ông Lê Hồng Cường cho biết kinh phí để nuôi đội Bình Dương phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Ở mùa 2021, kinh phí của đội được các nhà tài trợ giải ngân theo từng đợi, với thời hạn kéo dài từ ngày 1/11/2020 đến 31/10/2021. Với việc V.League hoãn đến 5-6 tháng, kéo dài sang năm 2022, việc bắt các nhà tài trợ ký thêm một phụ lục là điều không thể. Như thế CLB sẽ gặp khó khăn rất lớn trong vấn đề tài chính để có thể duy trì đội bóng.
Ông Trần Thái Toán, Giám đốc điều hành CLB Nam Định cũng đưa ra ý kiến tương tự: “Các đội khó khăn thì Nam Định còn khó gấp 10 lần. Mùa nào chúng tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo lo kinh phí. Giờ giải hoãn như vậy chúng tôi cũng chưa biết phải làm sao ngoài giảm lương từ tháng 8. Các ngoại binh đều đã về quê và chưa xác định được ngày họ quay lại”.
Ông Bùi Xuân Hòa, Giám đốc điều hành CLB SHB Đà Nẵng thì phàn nàn về việc đàm phán giảm lương với cầu thủ. Với cầu thủ nội, mọi thứ dễ giải quyết nhưng cầu thủ ngoại rất khó tìm tiếng nói chung. Ông Hòa tiết lộ, họ (ngoại binh) yêu cầu nhiều và tinh thần chung là không muốn bị cắt thu nhập. “Tôi sẽ xin ý kiến Hội đồng quản trị và nhà tài trợ xem hướng xử lý ra sao”.
Thực tế, gần 100% các CLB V.League không tự chủ tài chính, hay nói chính xác hơn là “lấy bóng đá nuôi bóng đá”, “lấy ngắn nuôi dài”. Hầu hết nguồn thu của các đội bóng chỉ phụ thuộc vào nhà tài trợ và bán vé nên khi giải đấu tạm hoãn dài hạn thì 2 nguồn thu này đều bị cắt. Nếu không có dịch bệnh, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, cũng chẳng có gì phải băn khoăn, đầu mùa nhận tiền, cuối mùa hết tiền rồi mùa sau lại nhận tiền.
Ngay cả CLB tiêu tiền như nước như TP.HCM cũng đang đứng trước tình cảnh bi đát. Tiền vệ ngôi sao Việt kiều Lee Nguyễn đang trở về Mỹ thăm gia đình, nhưng nhiều khả năng sẽ bị đẩy cho CLB của Mỹ mượn. TP.HCM đang tính cho mượn để đỡ gánh một phần lương khổng lồ của tiền vệ này, thậm chí có thể bán nếu tình hình khó khăn trong 2, 3 tháng tới.
Trong khi đó, phía VFF thông tin rằng: Việc phải dời giải sang năm 2022 là bất khả kháng. VPF, VFF rất hiểu những khó khăn của CLB nhưng cũng mong các cầu thủ, ban huấn luyện và các CLB chia sẻ với VPF, VFF bởi việc dời giải không chỉ đảm bảo an toàn cho các đội bóng khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp mà còn là cơ hội để đội tuyển QG có lực lượng mạnh nhất trong các trận đấu ở vòng loại World Cup sắp tới.
VPF “nã đại bác” vào Chủ tịch Hoàn “pháo”
Chính bởi sự bức xúc với phương án mà VPF và VFF đưa ra đã khiến cho một số ông chủ của các CLB ở V.League không kìm chế được những phát ngôn của mình đưa ra. Đơn cử là trường hợp của chủ tịch CLB Hải Phòng, ông Văn Trần Hoàn. Cụ thể, trong những ngày qua, một tạp chí điện tử ở Việt Nam đã liên tục đăng tải những chia sẻ của vị chủ tịch này lên trang chủ. Trong đó có những phát ngôn mà VPF cho là “công kích và bôi nhọ uy tín” của Công ty VPF, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam.
Trong một bài có tiêu đề: “Chủ tịch CLB Hải Phòng: Không chào đón quan chức VPF đến sân Lạch Tray” ngày 14/8/2021 có nội dung như sau: “Tôi nói thẳng thế này: CLB Hải Phòng làm bóng đá vì người hâm mộ Hải Phòng, vì mong muốn chung tay phát triển bóng đá Việt Nam. Nhưng có những vấn đề thực sự rất bức xúc với VPF. Do đó, tôi không chào đón quan chức VPF đến sân Lạch Tray trong tương lai”.
Một bài viết khác có tiêu đề: “Tấn bi hài, hay ‘trò chơi tử thần’ của bóng đá Việt Nam?” ngày 17/8/2021 có nội dung như sau: “VPF không tôn trọng CLB, tôi không hoan nghênh lãnh đạo VPF đến sân Lạch Tray. Càng buồn hơn khi chủ tịch CLB Hải Phòng tiết lộ VPF chẳng hỏi han gì đến tình cảnh cùa đội bóng ra sao…”.
Công ty VPF yêu cầu CLB Hải Phòng có văn bản phản hồi về tính xác thực các nội dung này cho VPF trước ngày 21/8/2021 để VPF có hướng xử lý. Và ngay lập tức, ông Văn Trần Hoàn khẳng định sẽ gửi văn bản phản hồi lại cho VPF nội trong hôm nay hoặc chậm nhất là ngày mai.
Dẫu vậy, như đã nói ở trên, những phản ứng tiêu cực không đến riêng Chủ tịch CLB Hải Phòng – ông Văn Trần Hoàn mà còn có nhiều lãnh đạo khác của các CLB như Nam Định FC, Bình Dương FC, CLB Quảng Nam. Nếu V.League 2021 xảy ra sự mâu thuẫn cho nhiều CLB thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về VPF. Vì VPF là đơn vị tổ chức giải, và phải có những vấn đề chưa có sự đồng thuận chung, chưa thống nhất thì mới xảy ra tranh cãi.
Dù cho thế nào đi nữa thì quyết định dời V.League đến tháng 2/2022 cũng đã được thông qua. Giờ đây, để giải quyết những mâu thuẫn kể trên, có lẽ đôi bên cần phải ngồi lại với nhau để giải quyết, cũng như cân bằng quyền lợi của các bên liên quan nhằm đưa V.League về đích cũng như phát triển giải đấu trong tương lai.