Sở dĩ VPF phải tiến hành đại hội thường niên sớm là do bộ máy của Hội đồng quản trị cần phải thay đổi, bổ sung cho kịp với tình hình thực tế. Điều dễ nhận thấy nhất chính là một số thành viên trong Hội đồng quản trị đã không còn tham gia hoạt động bóng đá. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi các đội bóng, cổ đông của VPF và xa hơn chính khả năng hoạt động của Hội đồng quản trị. Điển hình là ông Trần Mạnh Hùng không còn tham gia điều hành Hải Phòng FC nữa. Chức danh Chủ tịch CLB đã được chuyển sang cho ông Văn Trần Hoàn. Sau khi tiến hành chuyển đổi chủ sở hữu CLB, Hải Phòng sẽ phải thay đổi người đại diện vốn tại VPF nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Điều đó có nghĩa, ông Hùng sẽ không thể tham gia Hội đồng quản trị.
Một thành viên Hội đồng quản trị khác là ông Lê Minh Dũng cũng thôi tham gia quản lý CLB Phố Hiến. Cũng vì những thay đổi này mà Hội đồng quản trị VPF cần phải có sự bổ sung nhằm đảm bảo sự lãnh đạo đối với Ban Tổng giám đốc. Chưa kể đến việc, có một Hội đồng quản trị mạnh, đại diện cho quyền lợi cho các cổ đông sẽ giúp cho VPF hoạt động hiệu quả hơn.
Nhân sự luôn là vấn đề mang tính cốt tử với hoạt động của VPF. Tuy nhiên, những hệ lụy nảy sinh từ việc hủy giải đấu có thể khiến VPF đối diện với bài toán nan giải liên quan đến tài chính, tài trợ và đặc biệt là định hướng phát triển của công ty này. Đại hội thường niên sẽ phải bàn thảo về hoạt động khai thác tài trợ mùa giải tới khi VPF đã vi phạm hợp đồng với các đối tác bằng quyết định hủy giải đấu.
Đến thời điểm hiện tại, VPF vẫn chưa thể xác định các nhà tài trợ mùa giải vừa qua sẽ tiếp tục đồng hành hay không? Kiện toàn Hội đồng quản trị, định hướng lại kế hoạch thi đấu và giải quyết những hệ lụy vừa qua là cách sớm nhất giúp VPF thực hiện mục tiêu của mình thời gian tới. Bởi nếu không sớm thực hiện những bước đi quyết liệt, VPF sẽ lãng phí thời gian trong việc chuẩn bị cho mùa giải mới vốn được dự báo là có rất nhiều khó khăn.