Điều đó đã xua đi nỗi lo của các CĐV về một cuộc khủng hoảng ở giai đoạn chuyển giao từ chủ cũ Roman Abramovich sang tỷ phú người Mỹ. Và người Tây London thậm chí còn có thể lạc quan về triển vọng của đội bóng. Vì từ giờ, The Blues sẽ chuyển từ giai đoạn “chơi” sang “làm” bóng đá.
Với Abramovich, bóng đá là một cuộc chơi và Chelsea là công cụ để ông thỏa mãn niềm đam mê ấy. Tất nhiên, tỷ phú người Nga vẫn dành tình cảm sâu đậm dành cho đội chủ sân Stamford Bridge. Như trong bản thông báo rất dài nói về quyết định bán Chelsea, ông đã viết: “Với tôi, đây chưa bao giờ là chuyện kinh doanh hay tiền bạc, mà là tình cảm thuần túy dành cho CLB”.
Vì coi bóng đá là một thú chơi, nên Abramovich không tiếc tiền. Trong 19 năm làm chủ Chelsea, ông đã chi 2,11 tỷ bảng chiêu mộ cầu thủ, và thêm 90 triệu bảng nữa để mời và… sa thải 15 HLV. CLB duy nhất tiếp cận The Blues về số tiền đổ vào chuyển nhượng trong cùng khoảng thời gian ấy là Man City của Hoàng gia UAE với 2,04 tỷ bảng.
Tiền chưa chắc đã mua được thành công, nhưng rất nhiều tiền thì có thể. Trước kỷ nguyên Abra, Chelsea mới giành được 1 chức vô địch Anh, 1 Cúp C2 và 3 FA Cup. Khi tỷ phú người Nga ra đi, The Blues đã có thêm 21 danh hiệu. Trong đó có 5 chức vô địch Premier League và 2 chiếc cúp Champions League.
Di sản đồ sộ ấy chắc hẳn đã tạo ra rất nhiều sức ép lên ông chủ mới Todd Boehly. Nhưng có vẻ như doanh nhân người Mỹ không hề bị ảnh hưởng vì áp lực. Vì tuy có thể không yêu Chelsea bằng Abamovich, Boehly lại là một nhà quản lý chuyên nghiệp.
Có một chi tiết có lẽ ít người để ý là ngoài cương vị đồng sở hữu và chủ tịch của Chelsea, Boehly còn giữ cả vai trò GĐTT. Dĩ nhiên, ông chỉ tạm thời đảm nhiệm công việc này, sau khi The Blues chia tay giám đốc phụ trách chuyển nhượng Marina Granovskaia. Nhưng rõ ràng, Boehly đang làm tốt công việc ấy.
Hậu kỷ nguyên Abramovich, Chelsea vẫn đang là đội chi nhiều nhất ở kỳ chuyển nhượng mùa Hè này với 167,93 triệu bảng. Những vị trí cần bổ sung nhất trong đội hình của HLV Thomas Tuchel đã được tăng cường với Raheem Sterling, Kalidou Koulibaly và Marc Cucurella. Ngoài ra, Boehly cũng để lại dấu ấn trong vụ đẩy Romelu Lukaku trở lại Inter.
Boehly chính là người thúc đẩy thương vụ này, thông qua mối quan hệ cá nhân với Michael Yormack, chủ tịch công ty đại diện của Lukaku. Chelsea thu về 7 triệu bảng phí mượn cầu thủ và không phải gánh khoản lương 325.000 bảng/tuần của tiền đạo người Bỉ trong 1 mùa. Tuy nhiên, trong hợp đồng lại không có điều khoản bán đứt anh cho Inter. Điều này có nghĩa là với Boehly, “món tài sản” trị giá 100 triệu bảng này vẫn còn giá trị khai thác.
Nếu như Abramovich coi bóng đá là cuộc chơi thì với Boehly, nó trước tiên phải là một ngành kinh doanh. Tất nhiên, đã làm ăn thì phải có lãi. Và nhìn vào những thành công mà Boehly có được với các đội Los Angeles Dodgers (bóng chày), Los Angeles Sparks hay Los Angeles Lakers (bóng rổ), các CĐV của Chelsea ít nhất cũng có thể yên tâm là ông chủ Mỹ này sẽ không biến đội bóng thành con tin như những gì nhà Glazer đã làm với Man United.