Trong tuyên bố đầy bức xúc của Everton trước việc bị trừ 10 điểm có một dòng nổi bật: “CLB sẽ hết sức quan tâm đến các quyết định được đưa ra trong bất kỳ trường hợp nào khác liên quan đến quy tắc bền vững và lợi nhuận của Premier League”. Đối với cụm từ “bất kỳ trường hợp nào khác” mà Everton nêu lên, chúng ta dễ dàng ngầm hiều rất có thể là Man City và trong tương lai là Chelsea.
Bằng cách trừng phạt Everton một cách nghiêm khắc thông qua ủy ban độc lập, Premier League đã cho thấy họ mạnh tay như thế nào. Điều đó cũng cho thấy giờ chúng ta hiện ở thời kỳ “xử phạt thể thao”, nơi các đội bóng vi phạm có thể bị trừ điểm thay vì chỉ đơn giản là phạt tiền. Công bằng mà nói, Premier League đã ban hành thông tin chi tiết về điều này trong quy tắc vận hành của giải đấu. Đột nhiên, điều này trở nên nghiêm trọng hơn nhiều với các hình phạt khiến ai nấy đều ngỡ ngàng.
Việc xử lý Everton rõ ràng như một lời cảnh báo đến Man City – đội hiện có 115 cáo buộc vi phạm vẫn đang treo lơ lửng trên đầu. Nếu đặt lên với Everton, những gì Man xanh hiện phải đương đầu chắc chắn lớn hơn rất nhiều. Vậy, điều gì đang chờ đón Man City nếu họ bị kết tội với tất cả những cáo buộc đó dựa trên quy mô rộng lớn cùng mức độ nghiêm trọng đáng lưu tâm? Ngay cả khi chỉ một phần nhỏ cáo buộc chống lại Man City được chứng minh, nhà ĐKVĐ sẽ bị xử lý như thế nào trước những gì Everton đã nếm trải?
Sẽ không phi lý chút nào khi cho rằng Man City sẽ bị đánh rớt hạng họ bị kết tội. Ủy ban độc lập có quyền trừng phạt vô hạn, và việc bị trừ điểm nhiều đến mức có thể khiến một CLB xuống hạng là điều không thể tránh khỏi. Rốt cuộc, Man City bị cáo buộc 50 vi phạm cung cấp thông tin tài chính không chính xác; 8 vi phạm liên quan đến thù lao của HLV trưởng từ năm 2009 đến 2013; 12 vi phạm liên quan đến tiền lương cầu thủ từ năm 2010 đến 2015; 5 vi phạm liên quan đến các quy định tài chính của UEFA; 25 vi phạm về lợi nhuận lẫn tính bền vững và 30 cáo buộc không hợp tác với cuộc điều tra của Premier League.
Một phần của yêu cầu giảm nhẹ mà Everton cố gắng đưa ra là họ đã hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Tóm lại, Man City bị cáo buộc ghi sai báo cáo tài chính trong gần một thập kỷ. Đó dường như là một bản cáo buộc khá lớn, điều này giải thích phần nào lý do tại sao vụ việc của Man xanh mất nhiều thời gian giải quyết hơn vụ của Everton – đội có những vi phạm diễn ra trong 3 mùa giải. Dù vậy, đã có 40.000 tài liệu được ủy ban sàng lọc, trong đó thừa nhận: “Đây là một vụ án phức tạp”. Vậy nên, có trời mới biết sẽ cần phải xử lý bao nhiêu thủ tục giấy tờ để kết tội Man City.
Tương tự Everton, Man City kịch liệt phủ nhận mọi hành vi sai trái. Man City tuyên bố họ có “bằng chứng toàn diện không thể chối cãi” để hỗ trợ họ, họ có thể tự bảo vệ mình thành công. Họ chắc chắn tự tin làm được điều đó. Rõ ràng, chúng ta phải chờ xem bằng chứng đó là gì khi công việc của ủy ban hoàn thành và những phát hiện được công bố. Tuy nhiên, hình phạt mà Everton mới phải nhận chắc chắn không thể bị Man City hoặc Chelsea bỏ qua, đội đang trở thành đối tượng giám sát chặt chẽ từ Premier League và LĐBĐ Anh (FA) vì những cáo buộc mới về các khoản thanh toán giấu kín trong kỷ nguyên Roman Abramovich.
Chelsea sẽ hy vọng việc họ chủ động báo cáo sẽ tránh được việc bị trừ điểm, thay vào đó chỉ bị phạt nặng và có thể phải đối mặt với lệnh cấm chuyển nhượng. Thế nhưng, Chelsea có lẽ cũng nên lo lắng đi là vừa sau sự việc của Everton. Như Simon Leaf – đối tác và người đứng đầu bộ phận thể thao của công ty luật Mishcon de Reya – nhận xét, phán quyết của Everton sẽ “gây ra làn sóng chấn động, đặc biệt là trong phòng họp của Chelsea và Man City”.
Ngay cả khi Man City bị trừ điểm hoặc xuống hạng, mọi chuyện cũng chưa hẳn đã xong với họ. Everton phải đối mặt với kịch bản ác mộng khi bị các CLB đối thủ kiện họ đòi hàng chục triệu bảng. Leeds, Leicester, Southampton và Burnley đều xuống hạng trong những mùa giải mà Everton vi phạm luật lệ, vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu Man City và Chelsea cũng bị trừng phạt tương tự?