Thế hệ vàng không hợp làm HLV
Trước đây, các cựu cầu thủ bóng đá trở thành HLV vì họ cần kiếm tiền sau khi giải nghệ. Nếu không, họ sẽ chuyển sang làm bình luận viên hoặc… điều hành một quán rượu.
Những cầu thủ bóng đá hàng đầu của những năm 1990 có lẽ là những người đầu tiên không cần phải làm việc để kiếm tiền sau khi giải nghệ, vì khoản tích lũy lúc còn thi đấu khá lớn. Và những ngôi sao ở những năm 2000 thậm chí còn có thể trở thành triệu phú.
Khoảng thời gian đầu thiên niên kỷ mới, bóng đá Anh đã sản sinh ra một “Thế hệ vàng” gồm hàng loạt ngôi sao như Wayne Rooney, David Beckham, Steven Gerrard, Frank Lampard, Michael Owen, John Terry hay Rio Ferdinand,..
Nhưng “Thế hệ vàng” không phải lúc nào cũng có được khoảng thời gian đặc biệt hạnh phúc. Trong thời kỳ đỉnh cao của họ, mối quan hệ giữa cầu thủ với giới truyền thông và công chúng là rất căng thẳng. Sự cạnh tranh giữa các CLB cũng khiến họ không được yêu thích rộng rãi như thế hệ Paul Gascoigne hay Stuart Pearce.
Và “Thế hệ vàng” được cho là đã thất bại trên trường quốc tế, chứ không phải là “những kẻ thua cuộc dũng cảm” như thế hệ của Gascoigne và Pearce. Mặc dù vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu họ muốn có một cuộc sống dễ dàng sau khi giải nghệ. Nhưng vẫn có nhiều người muốn tiếp tục tham gia cuộc chơi.
Trong số những thành viên của “Thế hệ vàng” bắt đầu nổi lên từ EURO 2004, thì Lampard, Gerrard và Rooney đều đang tích cực theo đuổi sự nghiệp huấn luyện; Ashley Cole và John Terry đang chờ cơ hội; David James và Sol Campbell đã thử, còn Gary Neville và Paul Scholes đã cố gắng nhưng có lẽ sẽ không quay lại.
Joe Cole đã từng làm việc với một đội trẻ Chelsea và dường như sẵn sàng đảm nhận vai trò quản lý ở một thời điểm nào đó. David Beckham đang tập trung vào công việc của chủ tịch Inter Miami. Chỉ có Michael Owen tỏ ra không hề quan tâm đến việc tham gia vào bóng đá.
Điều thú vị là “Thế hệ vàng” của ĐT Anh phần lớn không đạt được thành công trong nghiệp huấn luyện vì những thất bại về mặt chiến thuật. Họ có rất nhiều phẩm chất và giúp biến Premier League trở thành giải đấu hay nhất thế giới. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau – từ nỗi ám ảnh với sơ đồ 4-4-2, thiếu khả năng thích ứng, thiếu kỷ luật vị trí – họ đã không có được kỹ năng huấn luyện hoàn chỉnh.
Không thể sống thiếu những ‘cánh tay phải’
Và 3 người thất bại nhất là bộ ba đã tiến xa nhất trên con đường huấn luyện. Khi còn là cầu thủ, Gerrard và Lampard đã tạo ra một cuộc tranh cãi lớn rằng họ có thể thi đấu cùng nhau hay không. Câu trả lời có lẽ là họ có thể chơi cùng nhau, chỉ là không phải trong sơ đồ 4-4-2, vì cả hai đều thăng hoa ở cấp CLB với vai trò đá cao nhất trong bộ ba tiền vệ.
Điều mà tất cả những cầu thủ đó cần, theo nhiều cách khác nhau, là một ai đó bên cạnh họ. Một người không nổi bật bằng, nhưng âm thầm làm nhiệm vụ hỗ trợ. Gerrard cần một Dietmar Hamann. Lampard cần một Claude Makelele. Còn Rooney cần một tiền đạo đối tác có thể chạy chỗ. Về cơ bản, tất cả họ đều cần một trợ lý. Và điều đó cũng đúng với sự nghiệp huấn luyện của họ cho đến nay.
Nhiệm kỳ đầu tiên của Lampard dẫn dắt Chelsea kết thúc khá tồi tệ. Nhưng ở mùa đầu, ông đã giúp The Blues vượt qua sự thiếu vắng của Eden Hazard, nâng tầm các cầu thủ trẻ, đưa CLB về đích ở vị trí thứ 4 và lọt vào chung kết FA Cup.
Trợ lý của Lampard khi đó là Jody Morris. Ông này đã có nhiều kinh nghiệm huấn luyện ở đội trẻ của Chelsea, và đã hỗ trợ rất nhiều cho Lampard. Lampard dựa nhiều vào Morris và đưa ra một số kế hoạch thi đấu hay trong mùa giải đầu tiên. Điểm nhấn đáng nhớ nhất là đánh bại Tottenham của thầy cũ Jose Mourinho.
Với Gerrard, cánh tay phải của ông là Michael Beale. Cựu thủ quân của Liverpool từng hết lời khen ngợi Beale: “Tôi sẽ mất từ 15 đến 20 năm để trở thành HLV giỏi như anh ấy (Beale). Tôi để Mick điều hành các buổi tập hàng ngày, vì vậy anh ấy là chuyên gia hàng đầu”.
Gerrard và Beale đã thể hiện xuất sắc tại Rangers, đưa đội bóng này đến danh hiệu đầu tiên sau một thập kỷ, trước khi khởi đầu tốt đẹp cùng nhau tại Aston Villa. Họ giúp cải thiện khả năng tổ chức của một đội bóng đã mất phương hướng dưới thời Dean Smith. Mọi chuyện bắt đầu không ổn với Gerrard vào thời điểm Beale rời đi để dẫn dắt Queens Park Rangers.
Với Rooney, trợ lý quan trọng nhất là Liam Rosenior, một cựu cầu thủ Premier League và là người có nhiều kinh nghiệm huấn luyện hơn Rooney. Rosenior từng làm việc ở đội trẻ Brighton và sau đó là ở Derby County dưới thời người tiền nhiệm của Rooney, Phillip Cocu.
“Wayne thấy rằng tôi rất xuất sắc trong những việc đã làm ở một số lĩnh vực, và anh ấy tạo điều kiện để tôi tiếp tục làm điều đó”, Rosenior nói trong một cuộc phỏng vấn với The Times. Nhưng Rosenior cũng nhấn mạnh rằng Rooney là bộ mặt của CLB, chịu trách nhiệm kết nối với các cầu thủ. “Wayne là một trong những người thông minh nhất mà tôi từng gặp”, ông nói. “Nhưng mọi người không dành cho Wayne sự tín nhiệm xứng đáng với trí thông minh của anh ấy”.
Rooney và Rosenior đã cùng nhau làm việc tốt tại Derby County. Nhưng khi không còn Rosenior, Rooney đã thất bại tại DC United và giờ là Birmingham City.
Thực tế là những vị trợ lý trên cũng không thành công khi rời xa “vật chủ”. Morris đã gặp khó khăn trong thời gian ngắn làm HLV trưởng tại Swindon Town. Beale đã chuyển từ QPR sang Rangers cách đây hơn một năm, bị sa thải vào tháng 10 và được bổ nhiệm tại Sunderland trong tháng này. Ông vẫn là một HLV được đánh giá cao nhưng chưa chứng tỏ mình là số 1.
Rosenior đang thể hiện rất tốt ở Hull City. Nhưng ông chỉ mới bắt đầu sự nghiệp huấn luyện được một năm và vẫn còn quá sớm để coi ông là một thành công.
Việc trở thành một tên tuổi lớn chắc chắn có lợi ích đối với Rooney, Lampard và Gerrard. Họ gần như mặc định có được sự tôn trọng từ các cầu thủ. Họ thường cảm thấy thoải mái trước giới truyền thông. Họ hiểu được tiêu chuẩn cần thiết để đạt đến đỉnh cao và có thể đối phó với áp lực.
Ngày càng có nhiều HLV thành công dù không phải là cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng những người như Pep Guardiola, Carlo Ancelotti, Antonio Conte, Zinedine Zidane và Didier Deschamps đã chứng minh rằng việc trở thành một cầu thủ bóng đá đẳng cấp thế giới vẫn là điều kiện tuyệt vời để có thể thành công trong nghiệp huấn luyện.
Dẫu vậy, các cựu danh thủ người Anh vẫn chưa cho thấy họ đủ khả năng làm điều đó khi chuyển sang nghiệp huấn luyện.
Carrick là ngoại lệ?
Trong số những người thuộc thế hệ vàng của ĐT Anh, người duy nhất có thể tiến xa trong nghiệp huấn luyện là Michael Carrick. Ông có tính kỷ luật và trí thông minh chiến thuật mà những người cùng thời ở ĐT Anh không có. Về phong cách, Carrick gần giống với Xabi Alonso hoặc Mikel Arteta. Có lẽ những người thi đấu ở vị trí tiền vệ lùi sâu thường có cái nhìn bao quát hơn nên dễ thành công khi làm HLV, hơn là những người thi đấu dâng cao như Gerrard, Lampard hay Rooney.