30 năm sau mùa giải khai mạc, Premier League có thể tự hào vị thế của mình là giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới. Và có rất nhiều yếu tố tạo nên thành công của họ. Nhưng có 2 điều không được đánh giá quá cao ở Premier League: siêu sao và khả năng cạnh tranh. Hay nói đúng hơn, đây không phải là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của giải đấu.
Bắt đầu với vấn đề siêu sao. Ai cũng có thể thấy rằng Premier League có ít siêu sao hơn chúng ta tưởng, ít nhất là trước khi Erling Haaland đến.
Hãy điểm qua các ngôi sao lớn nhất và bạn có ai? Cristiano Ronaldo, người bắt đầu được biết đến ở M.U, nhưng chỉ đạt tới đỉnh cao ở Real. David Beckham, người đã chuyển sang Tây Ban Nha ở tuổi 28. Zlatan Ibrahimovic, người tới nước Anh ở tuổi xế chiều và không ở lại lâu. Thierry Henry? Wayne Rooney? Kevin De Bruyne? Mohamed Salah? Đây là những cầu thủ đặc biệt, chắc chắn là như vậy. Nhưng ngay cả ở thời kỳ đỉnh cao của họ, rất ít người đạt đến mức độ cao nhất và trở thành siêu sao toàn cầu như Kylian Mbappe, Neymar hay Ronaldinho.
Sự nổi tiếng của giải đấu có bị ảnh hưởng không? Không hề. Có lẽ vì nó không được xây dựng trên các siêu sao phổ biến, mà đúng hơn là các “cầu thủ thương hiệu” phổ biến. Thay vào đó, họ xây dựng danh tiếng của cả giải đấu.
Vấn đề thứ 2 là khả năng cạnh tranh. Nhiều năm qua, Premier League nổi tiếng với nhóm “Big Six”, tức 6 đội có khả năng giành chức vô địch.
Trong 10 năm qua, Premier League đã có 5 câu lạc bộ khác nhau vô địch. La Liga, Serie A, Ligue 1 và Bundesliga đều không có nhiều đội đăng quang như vậy. Nhưng thực tế thì giải Ngoại hạng Anh lại không có sự cạnh tranh thực sự khốc liệt.
Trong 5 năm vừa qua, cuộc chiến vương quyền chỉ là màn so tài của Man City và Liverpool. Các đội bóng còn lại dù mang tiếng trong Big Six nhưng gần như đều bỏ cuộc chỉ sau nửa mùa giải và để lại cuộc đua cho The Reds cùng The Citizens.
Ngoài ra, sự nhàm chán còn thể hiện ở chỗ nhóm Big Six gần như mặc định chiếm 6 suất dự cúp châu Âu. Kể từ năm 2005, khi Everton đứng thứ 4, chỉ có một đội bên ngoài nhóm Big Six có được vị trí trong Top 4. Đó là Leicester, khi họ vô địch ở mùa giải 2015/16.
Một trong những tác động phụ của điều này là doanh thu tập trung chủ yếu vào các đội hàng đầu. Và do đó, các đội tầm trung chỉ có thể tăng thêm gia vị cho cuộc đua Top 4.
Các giải đấu châu Âu khác có số lượng 4 đội đứng đầu – Pháp (14), Đức (13), Italia (11) và Tây Ban Nha (10) – hơn Anh rất nhiều (chỉ có 7 đội trong 17 mùa giải gần nhất).
Nhưng khi nói đến sự phổ biến tổng thể của một giải đấu, có lẽ đó không phải là một “vấn đề”. Người hâm mộ đã quen với sự phân cực và phân tầng giữa giới siêu giàu (họ tồn tại ở mọi giải đấu, nhưng có nhiều đội hơn ở Premier League) và các đội còn lại. Họ chấp nhận rằng đang tham gia một cuộc đua trên xe tập đi trong khi những người khác đang ở trong một chiếc Ferrari.
Vì vậy, họ đánh giá thành công theo nhiều cách khác nhau. Họ có được niềm vui khi xem đội của mình đạt được mục tiêu tối thiểu: đứng giữa bảng, tránh xuống hạng, bất cứ điều gì… Và bản thân họ tận hưởng các trận đấu, có lẽ nhiều hơn là kết quả hay bảng xếp hạng.
Đối với các ông chủ, đó là điều quan trọng nhất: giúp khách hàng của bạn giải trí và mang đến cho họ điều gì đó ý nghĩa mà họ có thể trân trọng hàng năm, mà không cần phải chi quá nhiều tiền để thực sự giành được thứ gì đó.
Có thể sẽ đến một lúc nào đó, công thức trên không còn hoạt động nữa. Rốt cuộc, điều gì cũng có chu kỳ của nó. Nhưng hiện tại, việc Premier League là Super League trên thực tế của thế giới (ít nhất là về mặt thương mại) là điều không thể bàn cãi. Và những lý do cho sự thành công của nó có thể không phải như những gì bạn nghĩ.
4 “yếu tố vàng” của Premier League
Premier League ít có bất ngờ hơn các giải khác. Nhưng giải đấu này luôn mang lại cảm giác “hấp dẫn” và cạnh tranh đặc biệt. Có 4 lý do cho điều này: Hầu hết các mặt sân đều đẹp trên màn hình, các cổ động viên tập trung gần nhau, trận đấu diễn ra với tốc độ chóng mặt, các cầu thủ đều chiến đấu quên mình. Và 4 yếu tố trên luôn áp dụng cho hầu hết các trận đấu ở Premier League theo cách mà nó không có ở bất kỳ nơi nào khác.
Quá ít cầu thủ thuộc Top 5 Quả bóng Vàng
Trong 20 lần gần nhất bầu chọn Quả bóng Vàng, các cầu thủ thi đấu ở Premier League chỉ cán đích trong Top 5 vỏn vẹn 17/100 lần. Trong đó, người đứng trong Top 5 nhiều nhất là Thierry Henry 3 lần, Cristiano Ronaldo 2 lần và 12 người khác mỗi người 1 lần. Tuy nhiên điều đó cũng không ảnh hưởng đến uy tín và độ hấp dẫn của Premier League.