HLV Pep Guardiola là một người khiêm tốn và luôn tôn trọng mọi đối thủ. Gần như trong đời cầm quân của mình, Pep chẳng coi thường một ai bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể hay thái độ. Chỉ duy nhất Pep có mâu thuẫn bằng miệng lưỡi với Jose Mourinho, nhưng đó là mối thù ghét cá nhân tại Tây Ban Nha hồi xưa.
Nhưng rồi, con người điềm tĩnh, trầm lặng đó cũng phải bày tỏ sự khinh thường trước một đội bóng là Man United. Cần nhắc lại, Man United không phải là một CLB tầm thường bởi quá khứ huy hoàng mới chỉ kết thúc gần 10 năm trở lại đây.
CLB đó vẫn đang là cỗ máy in tiền hạng nhất thế giới, sở hữu lượng Fan đông nhất nhì thế giới, có số lượng cúp vô địch Ngoại hạng Anh nhiều nhất giải đất, từng thâu gom những danh hiệu mà đội bóng của Pep thèm thuồng cực độ như Champions League.
Hơn hết, CLB đó đã từng khinh miệt Man City trong suốt hơn nửa thế kỷ vì sự kém cỏi về mọi mặt, rồi tiếp tục gia tăng sự coi thường khi tiền của người Ả Râp mới chỉ biến Man City thành một gã hàng xóm ồn ào. Đứng ở một thành phố có trận derby từng là khét tiếng nhất nền bóng đá Anh, Pep chưa hề dám đánh thấp đối thủ, cho dù chẳng biết nao núng là gì, cho đến tận bây giờ.
Khi mà bóng chưa lăn, khi các mối quan tâm đổ dồn vào chuyện động trời Roman Abramovich đang rao bán Chelsea, đột nhiên, Pep biểu lộ sự khinh khi Man United, như thể đấy chẳng phải là địch thủ lớn nhất của Man City vậy, mà chỉ là một đội bóng làng mà thôi.
Theo thói quen thường lệ, Pep luôn chuẩn bị rất kỹ càng cho từng trận đấu. Nghiền ngẫm video về đối thủ, lựa chọn chiến thuật, lên đội hình, bắt cầu thủ phải thực hiện chuẩn chỉ đấu pháp của mình trên thực địa lẫn sa bàn. Đó là việc thường ngày của HLV theo trường phái chiến thuật, đam mê cờ vua như Pep.
Nhưng trước thềm trận derby Manchester, Pep lại công khai rằng, Man United chẳng có gì đáng xem, chẳng có gì đáng lo ngại, và chiến thắng là chuyện đơn giản như thể ăn một cái kẹo vậy. Tất nhiên, Pep cũng bộc lộ chút kính nể khi đề cao vai trò của ngôi sao Cristiano Ronaldo về khả năng ghi bàn.
Thái độ đấy hoàn toàn rất khác lạ so với Pep Guardiola mà chúng ta đã biết. Phải chăng việc vô địch Premier League quá nhiều trong vài mùa giải vừa qua trong khi Man United không phải đối thủ đã khiến Pep “mục hạ vô nhân”? Hay là bởi kẻ khiến Pep kị giơ nhất là Solskjaer đã rời Man United mà trở nên đắc chí?
Thật sự, việc Pep coi thường Man United cũng không phải vô cớ đâu. Hãy nhìn mà xem, Man United còn thiếu gì để không thể trở thành một đối thủ cạnh tranh chức vô địch Premier League hay Champions League đáng sợ?
Họ có những ngôi sao hạng nhất thế giới, tất nhiên không phải ở thời điểm này, như Paul Pogba, Cavani, hay Ronaldo, có những tài năng trẻ hàng đầu nước Anh như Jadon Sancho, Marcus Rashford, có những hợp đồng nặng ký Harry Maguire.
Trên ghế huấn luyện viên của Man United không phải là một Jose Mourinho đã lạc hậu hết thời, không phải một Ole Gunnar Solskjaer non nớt kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao mà là Ralf Rangnick, một người được tôn xưng là Thày của các HLV Đức như Juergen Klopp hay Thomas Tuchel.
Và Man United vẫn là một CLB giàu có, giỏi kiếm tiền, đông fan và nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng tại sao, khi các yếu tố đã tập hợp đầy đủ mà Man United lại thi đấu như thể một đoàn binh ô hợp, không có chiến thuật, không có tinh thần chiến đấu và khả năng chinh phục đáng tin cậy.
Những rắc rối ở Man United rõ ràng rất thiếu chuyên nghiệp. Vấn đề Paul Pogba vẫn cứ hành hạ các nhà cầm quân của đội bóng này như một thứ tội nợ “bỏ thì tiếc, dùng thì căm” bởi phong độ thi đấu, thái độ ứng cử của nhà vô địch World Cup 2018 này thật không đáng một xu. Nếu Pep có cầu thủ như thế, chắc chắn ông ta đã sút ra khỏi CLB từ rất lâu rồi.
Đâu chỉ mỗi thế, khi mà trận đấu sắp diễn ra, từ HLV Ralf Rangnick đến các cầu thủ Man United và NHM vẫn nghi ngờ về năng lực thủ quân của trung vệ Harry Maguire. Bởi cầu thủ trị giá hơn 80 triệu bảng này không có khả năng phòng ngự tốt đã đành, lại cũng chẳng biết chỉ huy đồng đội hay giữ nhịp trận đấu. Giá trị rõ nhất của Maguire có là đem đến những tràng cười.
Ở Man United có nhiều nhân tố rất tốt nhưng chỉ ở khía cạnh cá nhân. Không ai dám chê bai tài năng của Ronaldo, Bruno Fernandes, Jadon Sancho, David de Gea… nhưng khi lắp ghép thành một bộ máy thì những chi tiết hàng hiệu hảo hạng đó lại biến thành một cỗ máy vô dụng.
Không phải vì thế mà nhiều khi người hùng của Man United lại là Fred hay những công nhân mờ nhạt hơn. Chính vì thế, Man United không thể trở thành một đội bóng ổn định trong cuộc chạy đua danh hiệu. Họ có thể đá rất hay trước Chelsea hay Liverpool nhưng lại tầm thường, bế tắc trước những đội sắp xuống hạng.
Khâu đào tạo trẻ của Man United cũng khiến Pep khinh thường nốt. Chẳng phải vô cớ mà người ta đánh giá học viện của Man City chính là kho nguyên liệu cho ĐT Anh, với những tài năng đang thi đấu cực hay trong đội Một của Pep như Foden. Nó đối lập hoàn toàn với sự sa ngã của Greenwood hay sự chững lại của Rashford.
Không có chính sách phát triển chuyên nghiệp từ ngắn hạn đến dài hạn, không định hình được bản sắc hậu thời kỳ Alex Ferguson, không có chiến lược cụ thể hoá tham vọng, không nâng cao được năng lực tự đào tạo mà chỉ có tiền, Man United đã sa sút đến mức kinh ngạc. Đến Ronaldo cũng kinh ngạc và bây giờ Pep công khai bộc lộ sự khinh thường.
Thái độ của Pep Guardiola là một đòn đau với Man United bởi nó chứng thực cho sự vượt trội về tầm vóc, năng lực và đẳng cấp của Man City so với đội bóng cùng thành phố. Có thể những mảnh ghép đắt giá của Man United sẽ khiến Man City hoà hoặc thua trong trận derby này nhưng đó là nhờ năng lực cá nhân chứ không phải sức mạnh của toàn đội bóng hay tài thao lược của HLV.