Trong nỗ lực giành chiến thắng tại Galatasaray để nuôi vọng giành vé đi tiếp ở bảng A, Bruno đã có một màn trình diễn hay. Đó không hẳn là một Roy Keane đầy khí phách ở Turin ngày nào, nhưng trong bầu không khí thù địch ở Thổ Nhĩ Kỳ và trước sức ép lớn, Bruno vẫn tiến lên, kiến tạo 1 bàn và ghi 1 bàn thắng đầy ngoạn mục.
Còn nhớ hơn 24 năm trước, Keane ghi bàn rút ngắn tỷ số ở trận bán kết Champions League lượt về ở mùa 1998/99, mở ra cú lội ngược dòng 3-2 lịch sử của MU sau khi bị Juventus dẫn trước 2-0. Kết quả chung cuộc là 4-3, Quỷ đỏ thành Manchester vào chung kết.
Sau đó, đội bóng của Sir Alex Ferguson còn làm nên cuộc ngược dòng vĩ đại nhất nhì lịch sử Champions League khi đánh bại Bayern với tỷ số 2-1 bằng 2 bàn thắng ở 2 phút bù giờ cuối cùng, để lên ngôi vô địch.
Rõ ràng, tinh thần và sự khát khao của Bruno phải được ghi nhận và nó cũng cho thấy phần nào phẩm chất của một thủ lĩnh. Và lẽ ra, khi dẫn trước 2-0, MU đã có thể giành chiến thắng để nắm quyền tự quyết ở lượt trận cuối cho cuộc cạnh tranh giành tấm vé còn lại vào vòng knock-out. Nhưng họ lại không làm được.
Còn Bruno, trong tư cách đội trưởng, đã để MU trôi theo nhịp độ sôi động của trận đấu. Trong cả trận, tiền vệ người Bồ Đào Nha luôn sẵn sàng chạy, tìm mọi cách gây áp lực lên các cầu thủ Galatasaray ngay từ phần sân nhà. Tuy vậy, nếu là một thủ lĩnh đích thực, Bruno sẽ không làm thế.
Bởi nếu khôn ngoan hơn, Bruno và cả HLV Ten Hag phải biết kìm hãm thế trận, chơi thận trọng để bảo toàn lợi thế, mà không được để đội nhà bị cuốn theo sự hưng phấn của đối thủ. Nhưng đó chưa bao giờ là điểm mạnh của Bruno.
Tiền vệ này có thể đá rất bốc và kéo cả đội tiến lên bằng tài năng, nhưng không phải mẫu nhạc trưởng biết điều tiết nhịp độ. Thực ra đó cũng là vấn đề của Ten Hag về cách chỉ đạo và nắm giữ lợi thế khi cần.
Hãy nhìn những bước chân có phần mệt mỏi, tâm trạng khó chịu sau khi phải miệt mài chạy theo các cầu thủ Galatasaray dẫn đến hệ quả tất yếu: một Bruno hay phàn nàn, càu nhàu và nhăn nhó với các đồng đội đã trở lại. Tình huống Bruno phản ứng với Scott McTominay sau những đường chuyền tệ hại liên tiếp của cầu thủ này đã cho thấy anh không giữ được sự bình tĩnh cần có ở một thủ lĩnh.
Bruno hiểu vấn đề mà anh và MU đang gặp phải. Nhưng anh lại không thể khắc phục nó. Vì sao MU vẫn tiếp tục nhấn ga khi cần kéo phanh lại để làm giảm cơn hưng phấn của đối thủ? Vì sao khi có cơ hội giải quyết trận đấu, Bruno lại bỏ lỡ?
“Đôi khi chúng tôi phải chuyền bóng để giảm nhịp độ trận đấu lại, chúng tôi phải giữ bóng, phải bình tĩnh. Nhưng lại không thể làm được điều đó”, Bruno chia sẻ sau trận hòa đầy tiếc nuối 3-3 ở Istanbul.
Sự mâu thuẫn trong chính bản thân Bruno là hình ảnh thu nhỏ của MU lúc này: có khả năng truyền cảm hứng nhưng lại bị những cảm xúc bên ngoài chi phối. Vốn là một con người giàu cảm xúc, Bruno không có cách nào thay đổi được bản thân, để không bị cuốn vào những dòng cảm xúc của… chính đối thủ trên sân.