“Tất cả nằm trong này hết”, Paul Barber chỉ tay vào chiếc laptop trên bàn mình. Giám đốc điều hành của Brighton đang nắm giữ thông tin gì bên trong khối kim loại nhỏ đó? Không nhiều, chỉ là vài GB dữ liệu mà thôi: Tên của những ứng viên thay thế cho ít nhất 25 vị thế chủ chốt trong CLB, bao gồm cầu thủ, HLV, trợ lý, giám đốc. Barber thậm chí có tên của người có thể thay thế… chính ông ở CLB. Nhưng đương nhiên, ông sẽ không tiết lộ cho bạn đâu.
Vậy những thông tin này để làm gì? Nó được thực hiện theo yêu cầu của ông chủ Tony Bloom – một fan cuồng của Brighton, và kiếm sống bằng những sòng bạc. Bloom – với điểm nhìn của một nhà toán học, muốn dùng chính những con số tưởng vô tri để đưa đội bóng phát triển.
Bloom đã thành công. Năm 2011, Brighton còn đang ngụp lặn ở giải Hạng Ba Anh thì bây giờ, họ đã nằm ở nửa trên BXH Premier League, tràn trề cơ hội kiếm một suất dự cúp châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử.
Mùa 2022/23 diễn ra gần 1 tháng thì Barber nhận được cuộc gọi của Todd Boehly – ông chủ mới của Chelsea. Sau khi sa thải Thomas Tuchel, doanh nhân người Mỹ đặt vấn đề với Brighton về trường hợp của HLV Potter. Rất nhanh chóng, Potter cũng thừa nhận muốn ra đi để đến một bến đỗ lớn hơn, với túi tiền rủng rỉnh hơn. Nhưng Chelsea đâu chỉ muốn một mình Potter, Boehly còn đặt vấn đề với 5 trợ lý của HLV người Anh nữa.
Chuyện diễn ra sau đó thì ai cũng biết. Potter bây giờ đã là người tự do sau khi bị Chelsea sa thải. The Blues ngụp lặn ở nửa dưới BXH dù là đội chi tiêu nhiều nhất lịch sử bóng đá thế giới trong một mùa giải. Trong khi đó, Brighton bay cao với Roberto De Zerbi.
Ông thầy người Italia này là ai? Chắc hẳn trước mùa giải này, ít người biết ông là ai? Nhưng Bloom thì biết rất rõ, thậm chí định danh De Zerbi là người phù hợp nhất để kế thừa lối đá kiểm soát mà Potter thiết kế. Chỉ trong một tuần, hợp đồng của De Zerbi được hoàn thành bởi ông đang tự do sau khi buộc phải rời khỏi đội bóng cũ Shakhtar Donetsk vì xung đột vũ trang. Brighton khiến cho cuộc chuyển giao trên băng ghế chỉ đạo nhịp nhàng chưa từng thấy, giống như nó chưa từng hụt mất một nốt trên cả khuôn nhạc.
“Một mẹo mà chúng tôi vẫn hay làm với tầm vóc của CLB cỡ Brighton đó là luôn luôn kế thừa”, Barber chia sẻ. “Điều chúng tôi không muốn làm là xây dựng đội hình cho một HLV này, rồi sau đó ông ta ra đi và người khác đến, chúng tôi lại phải xây dựng đội hình cho người sau”.
Cách làm thế tốn rất nhiều tiền, nhìn từ trường hợp của Chelsea, và thật sự cũng không mấy hiệu quả. “Thử thách của chúng tôi là phải đưa đội bóng phát triển dù trải qua đời HLV này tới đời HLV khác với cùng một đội hình”, Barber cho biết.
Và đó là những giá trị trong chiếc laptop của Barber, xây dựng một hệ thống thông tin đủ để dự đoán tương lai và tìm ra người phù hợp với từng vị trí. Brighton không muốn mình rơi vào thế bị động trong mọi trường hợp. “Thông thường chúng tôi sẽ tìm kiếm một phương án thay thế cho cầu thủ mà mình dự đoán có thể ra đi, ngay từ trước khi anh ta ra đi”, Barber bật mí.
Hãy lấy ví dụ về Kaoru Mitoma. Có đội bóng Premier League nào đủ tự tin để ký hợp đồng với một sinh viên ở Nhật Bản? Brighton dám. Năm 2021, họ chiêu mộ Mitoma – người đã chọn học hết đại học trước khi thực sự bước chân vào con đường cầu thủ chuyên nghiệp. Hệ thống dữ liệu của Brighton chỉ ra Mitoma đủ tiềm năng để sang Premier League chỉ sau một mùa bóng ở J.League.
Vì vấn đề visa mà Mitoma phải thi đấu theo dạng mượn cho Union Saint-Gilloise (cũng thuộc sở hữu của Bloom) trong mùa đầu tiên. Nhưng đến mùa này, anh đã được đưa về. Ngay khi Brighton bán Trossard cho Arsenal, Mitoma lập tức thế chỗ và tỏa sáng rực rỡ. Với đà này, nếu Brighton bán Mitoma, họ thậm chí có thể thu về số tiền gấp nhiều lần Trossard.
Tiếp theo là Moises Caicedo. Cũng trong năm 2021, Brighton mua cầu thủ 19 tuổi tới từ Ecuador để chuẩn bị cho sự ra đi của Yves Bissouma. Nếu Brighton chỉ tìm kiếm người thay Bissouma sau khi đã bán anh cho Tottenham, họ có nguy cơ bị đối tác ép giá, hoặc tệ hơn là không thể mua nổi người mình cần.
“Chẳng có gì tệ hơn việc đối tác biết bạn đang có rất nhiều tiền sau một thương vụ lớn”, Barber nói. Thời điểm rất quan trọng, Brighton – dù tầm vóc trung bình, nhưng luôn là đội muốn chọn thời điểm thích hợp để đi bước tiếp theo. Họ làm được vì biết chính xác đâu là mục tiêu phù hợp, nhờ hệ thống dữ liệu và phân tích chuyên biệt của riêng mình.
Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế không chỉ một mình Brighton có hệ thống dữ liệu đồ sộ. Các đại gia đương nhiên có, không chỉ với những ngôi sao mà còn đi sâu vào các tài năng trẻ – phân khúc khả thi nhất mà Brighton có thể cạnh tranh. Thế nhưng Brighton vẫn có thế mạnh riêng khi phải nhập cuộc đua với những đối thủ giàu hơn mình nhiều lần.
Cách họ mua Evan Ferguson là một câu chuyện như vậy. Tiền đạo 18 tuổi là một thần đồng khi ra mắt giải chuyên nghiệp ở CH Ireland khi mới 14 tuổi. Năm 2021, Ferguson từ chối một loạt ông lớn như Man City, Liverpool, Chelsea để chọn Brighton vì lời hứa sẽ cho cậu một suất chắc chắn ở đội U23. Đây là con đường ngắn nhất để Ferguson có thể kiếm được một vài phút ra sân ở Premier League, thay vì đi theo từng cấp độ trẻ.
Chỉ trong 1 năm gia nhập Brighton, Ferguson đã được toại nguyện khi góp mặt trong danh sách đội một. Mùa này, Ferguson thường xuyên được ra sân trong giai đoạn lượt về. “Ở đây, nếu họ nói bạn đủ giỏi, bạn sẽ có cơ hội”, Ferguson nhận xét.
Nhưng Brighton biết thế mạnh cũng như điểm yếu của mình. Thế nên ngoài lời hứa lên đội một thật nhanh, họ cũng có lời hứa thứ hai. “Tôi luôn nói với các cầu thủ: Đúng là các cậu được Man City hay Bayern theo đuổi, nhưng chúng tôi sẽ để các cậu đi ngay nếu thi đấu tốt”, Sam Jewell – Trưởng bộ phận tuyển trạch của Brighton, nói về đường hướng phát triển của CLB.
Nhưng cùng với đó, như đã nói, vấn đề thời điểm rất quan trọng. Nếu Brighton có sẵn người thay thế, họ sẽ để cầu thủ ra đi. Nhưng nếu Brighton chưa sẵn sàng, họ quyết giữ đến cùng. Thế nên Brighton có thể để Trossard gia nhập Arsenal vào mùa Đông, nhưng nói không khi họ tiếp cận Caicedo.
“Đó có thể là thời điểm thích hợp để một vài đội bóng Premier League chiêu mộ cầu thủ của chúng tôi, hoặc bản thân cầu thủ muốn ra đi, nhưng đó không phải thời điểm thích hợp với Brighton”, Barber khẳng định khi nói về trường hợp của Caicedo. Họ không bán Caicedo, ngược lại còn đề nghị anh ký vào một giao kèo mới có đãi ngộ lớn hơn nhiều, cùng cam kết sẽ cho anh ra đi khi thời điểm thích hợp đến. Nhưng bao giờ là thích hợp thì theo ý của BLĐ.
Nhưng không thể cứ mãi đóng vai một trạm tiếp nhiêu liệu cho các đội bóng lớn, kế hoạch của Brighton là vươn tầm. Họ muốn giành một danh hiệu lớn lần đầu tiên trong lịch sử, đồng thời có vé dự cúp châu Âu. Tất cả đều khả thi trong mùa này khi Brighton đã vào tới bán kết FA Cup và đứng cao trên BXH.
Ở trung tâm của dự án tham vọng này, ông chủ Bloom chính là người chịu chi nhất. Kể từ khi tiếp quản đội bóng vào năm 2009, Bloom đã đầu tư gần nửa tỷ bảng để không chỉ mua cầu thủ, mà còn xây dựng một nền tảng vững vàng cho tương lai đồ sộ. Thế nên, hiển nhiên cái tên duy nhất trong BLĐ Brighton không có trong laptop của Barber là Bloom. “Ông ấy là người duy nhất không thể ra đi”.