Bên bàn thờ vọng, Dương Thị Anh, một tình nguyện viên được chi viện từ trường Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương chấp tay khấn lạy và xin bố tha lỗi vì không thể về quê nhìn mặt ông lần cuối.
Cha của Dương Thị Anh đột ngột qua đời! Cái tin từ quê nhà như “tiếng sét ngang tai” với cô sinh viên trường y Hải Dương. Mới đó thôi, Anh còn nhớ cuộc gọi lúc đêm khuya, bố đã dặn dò cùng với những yêu thương dành cho cô con gái ương bướng của mình: “Này con ơi! Thân gái liễu yếu đào tơ, thật lòng, bố không muốn con đối mặt với những hiểm nguy bệnh dịch.
Bố không muốn con gái mình phải xông pha ở một nơi xa hàng nghìn cây số. Lỡ bề có gì, bố mẹ không biết sống ra sao?!. Nhưng bố sẽ không cấm cản con, bởi đó là sự lựa chọn, là lý tưởng sống của tuổi trẻ và cũng là việc làm đầy ý nghĩa cho xã hội. Hãy lên đường và luôn giữ gìn sức khoẻ con nhé!”.
Bên bàn thờ vọng được lập ra, Dương Thị Anh cúi đầu tạ tội với người bố đáng kính. Từ TP.HCM, đứa con bất hiếu đã không thể trở về nhìn mặt cha lần cuối bởi con đường không chỉ xa vạn dặm mà còn những rập rình những hiểm nguy và trắc trở.
Cả cuộc đời ta, ai cũng thế, thời niên thiếu gắn với mái nhà thân yêu mang tên gia đình. Là con gái, đôi khi được bố cưng chiều hơn tất thảy những thứ gì trên cuộc đời này. Người ta gọi “con gái rượu” có lẽ vì thế! Cô gái mạnh mẽ, sắt son Nam tiến ngày hôm qua giờ yếu mềm, sọp người đi vì đã khô cạn nước mắt. Những đồng đội, đồng chí, những đồng nghiệp từ Hải Dương vô Nam, lệ cứ thế tuôn rơi trên gò má.
Từng dòng miên man chảy trong ý nghĩ tôi: Có lẽ giờ họ không sợ nắng mưa, không sợ cái nóng hầm hập của những bộ đồ bảo hộ cũng chẳng sợ những con Covid chết tiệt kia… Mà họ chỉ sợ những điều xui rủi đến với gia đình, với người thân ở nơi rất xa của mình.
Tôi tin, rất nhiều chàng trai, cô gái trong số ấy đã bốc máy ngay tức thì, gọi cho bố mẹ, cho anh trai, chị gái và cả người yêu trong nước mắt. Những cuộc gọi như bao ngày nhưng nó chở nặng yêu thương, cùng những lời dặn dò, hãy thật khoẻ mạnh để ngày về, cả nhà được quay quần bên nồi lẩu ngút khói, bát phở nhiều hành chần, đĩa cơm rang dưa bò… cho đã cơn thèm, cho quên đi những ngày lén lút rút lướt điện thoại check-in rồi để chế độ “chỉ mình tôi”.
Dương Thị Anh và những cô cậu sinh viên ở tuổi đôi mươi, cái tuổi học, cái tuổi yêu, cái tuổi nắng chiều của những “phượt thủ”… Vậy mà, họ tình nguyện lên đường chi viện cho “điểm nóng” Covid tại TP.HCM. Những khẩu hiệu, những cái đấm tay lên trời xin hứa, đôi khi chỉ là sự giáo điều. Tận sâu trong tâm hồn những người trẻ ấy là một niềm tin mãnh liệt, là tấm lòng nhân ái, sự bao dung không chỉ học từ sách vở mà còn là sự giáo dục của gia đình và cả lăng kính yêu thương cuộc đời.
Tuổi đôi mươi như một bông hoa vừa hé nụ. Vậy mà sự trong trẻo, nhiệt huyết của Dương Thị Anh cùng những đồng môn, đồng đội, đồng nghiệp đã từng bị hồ nghị, bị “ném đá” dữ dội do sự kệch cỡm hay những trò lố từ người lớn. Tôi nhớ như in những con chữ đầy nặng nề, xúc phạm: “cút đi”, “biến về Bắc ngay”… hướng về những chàng trai cô gái ấy mà không mảy may một lời cảm thông, một lời động viên tinh thần.
Họ vẫn bám trụ từ ngày dịch mới bùng lên cho đến khi những hiểm nguy đã vây quang và rình rập. Đúng, sự cực khổ, sự tổn thương nào cũng có thể bị đánh bại bởi nhựa sống tuổi trẻ và lòng vị tha trong bản tính con người. Nhưng nỗi đau mất Cha thật sự là một mất mát quá lớn!
Đời ta, cha chỉ có một. Cha, chỉ có một yêu thương cho thời hiện tại chứ chẳng có cỗ máy nào để đi ngược thời gian. Trong niệm khúc, tôi cầu mong nỗi đau mất cha sẽ không trở thành một vết sẹo và sự day dứt trong tâm hồn cô gái đôi mươi Dương Thị Anh!
Trong dòng suy tư ấy, bỗng dưng tôi lại nhớ đến Hoa khôi báo chí, người phụ nữ xinh đẹp, kiêu sa, vừa có cái đặc quyền chọn lựa cho mình và chồng loại vaccine mà cộng đồng mạng vẫn gọi vui là “ông ngoại”. Mũi tiêm “lẻ” ấy, không chỉ chở đầy “gạch đá” và nó cướp đi công việc của một đồng loại, người đã giúp cô thoả ước mơ đến với thứ vaccine được khoe mẽ là “xịn sò” hơn tất cả trên thế giới.
Trong dòng suy tư ấy, bỗng dưng tôi lại nhớ đến ông cựu Phó Chủ tịch LĐBĐ bóng đá Việt Nam (VFF), người trở thành “nạn nhân bất đắt dĩ” như cô Hoa khôi. Ông cựu Phó Chủ tịch VFF cũng phải tan tác vì khoe khoang chuyện được tiêm vaccine “hàng thửa”. Ấy vậy mà sau cơn bão táp, ông này vẫn còn kịp đổi trắng thay đen, biến sự thật thành một câu chuyện “hư cấu” rất tài tình.
Thực ra, cần phải thẳng thắn với nhau, nếu sinh ra trong một gia đình có điều kiện, có người thân làm quan chức, ở thời điểm khó khăn nào đó, chúng liền nghĩ tới cậy nhờ sự giúp đỡ. Và không ít lần nhờ mối quan hệ “ô dù” ấy mà chúng ta đã giải quyết được bao nhiêu việc, thậm chí có thể cứu cho người thân khỏi những phiền phức, lo âu.
Những “ông ngoại”, những “chú em” của cô Hoa khôi, của ông Phó Chủ tịch VFF dường đã len lỏi, ăn sâu và tiềm thức một bộ phận con người. Nếu không nói, nó đã trở thành một “căn bệnh” trầm kha trong đời sống hiện tại.
Cô Hoa khôi báo chí và ông cựu phó Chủ tịch VFF tiêm vaccine theo “kênh quen biết” từng được xem là bình thường như cân đường hộp sữa. Nhưng câu chuyện ấy đã “không còn bình thường” trong bối cảnh vaccine đã trở thành niềm hy vọng cho cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam. Được tiêm là diễm phúc chứ vaccine không phải là thứ để khoe mẽ, cân đong, tốt xấu. Tiếc thay, những “nhân vật chính” của chúng ta lại còn viết nên những câu chuyện gây hiểu lầm tai hại.
Tôi đã đã cầu mong, nỗi đau mất cha không để lại vết sẹo cho cô gái dũng cảm Dương Thị Ánh. Và tôi cầu mong câu chuyện của cô Hoa khôi và ông cựu phó Chủ tịch VFF sẽ tạo ra “vết sẹo”, những tổn thương trong niềm tin giữa thời đại dịch với người dân Việt Nam.
Hai câu chuyện khiến tôi day dứt và nghĩ suy. Hai câu chuyện trái chiều. Một về đoá hoa đôi mươi băng qua những nỗi đau để thầm lặng đi bên đời và một về những con người quen thói đời núp mưa dưới những cây dù lóng lánh long lanh…