Thanh Hóa FC của ông Đức là một ví dụ điển hình về sự bất ngờ trong bóng đá. Một đội bóng bước vào giải với tâm thế trụ hạng vững vàng là thành công, nhưng đã dẫn dắt cuộc đua đến ngôi vô địch một thời gian dài. Một tập thể không có ngôi sao nhưng đã khiến nhiều dải ngân hà tắt lịm. Một đội bóng không giàu có về tiền bạc, nhưng khiến nhiều đại gia phải ngước nhìn. Một đội bóng tiến lên phía trước với những chiến công mà dư luận bóng đá hưởng ứng một cách nhiệt liệt vì đại diện cho sự lãng mạn cần có của bóng đá.
Nhưng đúng như ông Đức và nhiều doanh nhân tham gia cuộc chơi này phải thốt lên: “Bóng đá rất gì và này nọ” Đó là cách nói theo “trend” của giới trẻ nhưng cũng phản ánh một sự thật, đó là bóng đá có quá nhiều bất ngờ, có thể đưa bạn đến đỉnh cao rồi lại đẩy xuống vực thẳm. Với bóng đá, hôm nay bạn là người hùng, có nhiều fan hâm mộ, nhưng ngày mai phải xác định làm lại từ con số 0. Nói đâu xa, chính Thanh Hóa đã chịu rất nhiều chỉ trích sau chuỗi trận đáng quên trong thời gian gian qua. Và bại tướng dưới tay họ ở vòng đấu vừa qua – Hải Phòng cũng đã phải đối diện cơn giận dữ tại Lạch Tray sau cú sụp đổ trên sân nhà.
Bóng đá luôn mang đến những cảm xúc trái ngược. Hạnh phúc và khổ đau, thành công và thất bại đôi khi chỉ là khoảng cách mong manh. Dù lọc lõi và bản lĩnh thế nào thì bạn cũng khó lòng kiểm soát được cuộc chơi một cách tuyệt đối. Ngay cả những cầu thủ vốn là hiện thân của chiến thắng, của sự hoàn hảo, đôi khi cũng khiến bạn thất vọng. Thế nên, trong cuộc giai đoạn nước rút hiện tại, để một đội bóng duy trì phong độ, đảm bảo hoàn thành mục tiêu trong Top đầu là vô cùng khó khăn.
Đôi khi, sự thật bại, thậm chí là sụp đổ một cách có hệ thống, xuất phát từ những lý do nhỏ nhặt nhất. Những mối quan hệ, những sự ràng buộc về quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên nếu không được thu xếp một cách ổn thỏa, hài hòa, thì có thể dẫn đến tổn thất về đại cục.
Vậy mới nói, trong thời khắc quyết định này, đối thủ của các đội bóng không chỉ là đối thủ mà còn là chính những vấn đề nội tại của họ.