Thực ra, các đội bóng đã ý thức rất rõ về sự phức tạp của cuộc đua chống xuống hạng. Họ hiểu rằng, xuống hạng đồng nghĩa với thảm họa. Không chỉ đánh mất cơ hội chơi ở giải đấu cao nhất mà còn kéo theo những hệ lụy “tồn vong”. Nhà tài trợ thất vọng, NHM buồn phiền, đó là điều mà không đội bóng nào muốn xảy ra. Thậm chí, các nhà tài trợ sẽ quay lưng và để tìm lại nhịp phát triển là điều không hề dễ.
Hiểu sự khôn lường của cuộc đua nên từng đội bóng đều có những toan tính kỹ lưỡng về nhân sự. CLB TP.HCM có đến 3 lần thay tướng trong khoảng thời gian ngắn chỉ với mong muốn tìm được người đủ khả năng chèo lái con thuyền trong sóng dữ. Sài Gòn FC đã kỳ công mời HLV Lê Huỳnh Đức, người có nhiều mối quan hệ và tầm ảnh hưởng. Nam Định thành công khi kéo về trò cưng của thầy Park Hang Seo là ông Vũ Hồng Việt.
Ý thức rõ về đường đua khắc nghiệt và chuẩn bị kỹ cho giai đoạn nước rút nhưng đến giờ, những ứng viên hàng đầu cho suất xuống hạng vẫn chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm. Thậm chí, nguy cơ còn mở rộng ra với nhiều đội bóng, trong đó có thương hiệu cực mạnh là SHB Đà Nẵng hay HAGL. Điều đó phản ánh độ kịch tính và hấp dẫn của cuộc chiến chống xuống hạng. Và càng về cuối giải thì càng có nhiều điều để chờ đợi, luận bàn. Xa hơn nữa, cuộc chiến chống xuống hạng đang trở thành nét đặc sắc riêng của V.League. Ở đó, sự an toàn là giấc mơ với nhiều đội bóng. Trụ hạng với nhiều đội bóng là thất bại nhưng ở V.League, đó là thắng lợi quan trọng và người ta đã phải vất vả mới về đích an toàn.
Cuộc chiến chống xuống hạng sẽ tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông. Thế nhưng, để đảm bảo cho cuộc chiến ấy diễn ra minh bạch, sòng phẳng và kịch tính là bài toán khó cần tìm lời giải của các nhà quản lý. Bởi nói cho cùng, bóng đá chỉ thực sự hấp dẫn, đáng để chờ đợi nếu trái bóng được quay đúng nhịp. Và hơn thế nữa, sự thắng-thua trên sân cỏ phải được quyết định bằng tinh thần chiến đấu, sức mạnh của từng tập thể. Hạnh phúc và đắng cay là một phần của bóng đá, nhưng chúng ta muốn cảm xúc của người trong cuộc phải thật sự trọn vẹn.