Trong 2 ngày 10 và 11/10, thông qua trao đổi trực tuyến, đại diện FIFA đã làm việc với VFF và VPF trong bước đầu triền khai dự án đưa VAR đến V.League trong tương lai gần. “Đây mới chỉ là bước đầu đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện kỹ thuật và trọng tài của Việt Nam đối với VAR”, Tổng thư ký Lê Hoài Anh nói với Bongdaplus.
Ông Lê Hoài Anh cho biết thêm, quy trình từ lúc thực hiện dự án đến khi được FIFA cấp phép sử dụng VAR là khoảng 13 tháng. Vậy nên cột mốc sớm nhất để VAR xuất hiện tại V.League sẽ ở mùa 2023/24, tương đương với khoảng tháng 11/2023.
Dựa trên những quy định trong chương trình hỗ trợ, áp dụng và thông qua của FIFA đối với VAR, VFF và VPF sẽ cần đáp ứng đầy đủ để được tổ chức bóng đá thế giới cấp phép sử dụng trợ lý video hỗ trợ trọng tài tại V.League. Thực sự, việc đào tạo trọng tài VAR sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Song đây có thể xem như một bước tiến lớn với bóng đá Việt Nam, nhằm đem đến những trận cầu chất lượng hơn nữa tại V.League.
“Chúng ta cần tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức thực hiện hay kinh phí. VFF và VPF cùng các thành viên cũng đã trao đổi với FIFA xoay quanh câu chuyện chuyên môn. Rất mong trong thời gian sớm nhất, bóng đá Việt Nam sẽ có công cụ hỗ trợ trọng tài”, Quyền Chủ tịch VFF – Trần Quốc Tuấn phát biểu cách đây không lâu.
Trưởng ban Trọng tài VFF – Dương Văn Hiền đưa ra quan điểm: “Nếu sử dụng công nghệ VAR sẽ giảm áp lực cho trọng tài. Một khi trọng tài không bị áp lực thì tâm lý tốt hơn, điều đó sẽ giúp trọng tài điều khiển trận đấu chính xác hơn. Nhưng VAR cũng có thể khiến trọng tài chủ quan. Chẳng hạn, ở một tình huống khó họ sẽ không thổi, thay vào đó chờ vào công nghệ VAR. Phía Công ty VPF cho biết, đang xem xét đưa VAR vào áp dụng. Thực ra, để áp dụng VAR là điều không hề đơn giản bởi nó còn nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Chẳng hạn điều kiện kỹ thuật, sân bãi và cả nguồn nhân lực của Việt Nam còn có nhiều hạn chế. Dù sao Ban trọng tài cũng chờ VAR để giảm tải áp lực cho các trọng tài”.
VFF và VPF sẽ nghiêng về phương án làm trung tâm điều hành VAR chứ không làm xe VAR lưu động như kế hoạch năm 2019. Việc đào tạo trọng tài VAR và đội ngũ kỹ thuật cũng có thể được học online thay vì học tập trung. Điều này do các trọng tài Việt Nam đều có công việc riêng, trong khi khóa học về VAR nếu dồn toàn lực đào tạo sẽ kéo dài khoảng 6 tháng. Được biết, các trọng tài sẽ vừa làm nhiệm vụ ở V.League vừa theo học online. Đây là điều mà VFF đề xuất lên FIFA. Nhưng thực tế, các trọng tài theo học lớp VAR cũng cần phải có những buổi học trực tiếp và thực hành ngoài sân để có thể nắm bắt tốt hơn. |