Thanh Hóa những tưởng đã kê cao gối trong cuộc đua trụ hạng, nhưng hai trận thua liên tiếp khiến họ rơi vào vòng nguy hiểm. Đó là kịch bản mà những người làm bóng đá Thanh Hóa không nghĩ đến. Ngay cả các đối thủ của họ từng nhận định, cuộc đua đào thoát sẽ không có tên đội bóng xứ Thanh. Vậy nhưng, khi TP.HCM có chiến thắng, Sài Gòn FC tìm được 3 điểm quý giá và Nam Định phất cờ thì một loạt cái tên khác bỗng chốc bị kéo trở lại cuộc đua trụ hạng.
Không hề ngạc nhiên khi cuộc đua trụ hạng có quá nhiều ứng viên. Khoảng cách về trình độ giữa các đội bóng không quá lớn. Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, B.Bình Dương hay Thanh Hóa cũng không có nhiều khác biệt với Sài Gòn FC, TP.HCM. Thậm chí, xét về đầu tư và giá trị đội hình, TP.HCM thuộc diện hàng hiệu so với các đội bóng cùng “phân khúc trụ hạng”. Thế nên, thứ hạng hiện tại chỉ mang tính tạm thời và cuộc chiến giành vé ở lại V.League sẽ khắc nghiệt hơn bao giờ hết.
“Cả làng chạy lũ” ở nhóm cuối khác hẳn với thế độc tôn của Hà Nội FC tại đỉnh BXH. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các đội bóng vốn không thiếu tiềm lực bị đẩy xuống cuối BXH. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất chính là việc, không có nhiều khác biệt về trình độ giữa các đội bóng. Hơn thế nữa, từng đội bóng lại không duy trì được sự ổn định về phong độ và thiếu những yếu tố có thể mang đến sức bật về chuyên môn, đơn cử như ngoại binh. Thế nên, chỉ cần một, hai trận thua, tình thế của đội bóng, cục diện nhóm cuối BXH sẽ thay đổi. Cũng chính vì điều này mà trong chặng nước rút, các đội bóng phải hành động nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn và thậm chí, thay đổi cả những giá trị tưởng chừng bền vững nhất để tìm vé trụ hạng. Đó cũng là điều tất yếu khi sự thành bại, sinh tồn của cả CLB phụ thuộc vào việc có được ở lại V.League hay không. Cũng vì điều này mà V.League luôn có sự hấp dẫn, khôn lường ngay cả khi người ta dễ dàng tìm thấy nhà vô địch nhưng lại khó đoán định ai sẽ phải chia tay giải đấu.