Không hề dễ để bóng đá Việt Nam có VAR dù nhà tổ chức giải đã đặt ra những lộ trình nghiêm túc. Những giải pháp kỹ thuật đã được tính đến. Quan trọng hơn, trong suốt 2 năm qua, VPF đã liên hệ với FIFA để mua bản quyền công nghệ và tìm kiếm những hỗ trợ về mặt giải pháp hiện thực hóa VAR.
Thực tế thì hai bên đã đến rất gần những thỏa thuận hợp tác. Phải nhấn mạnh là phải có được chấp thuận của FIFA về mặt công nghệ, bản quyền thì V.League mới có thể ứng dụng Var chứ không thể thực hiện theo những phiên bản của Việt Nam nếu không muốn bị tuýt còi. Nhưng vấn đề ở chỗ, để được FIFA chấp thuận là điều không đơn giản.
Tiền luôn là bài toán khó với VPF và cả các đội bóng khi việc kêu gọi tài trợ gặp rất nhiều khó khăn. Một số đội bóng lâm vào tình trạng nợ lương, thiếu kinh phí hoạt động thì chi thêm tiền tỷ cho công nghệ VAR thực sự là gánh nặng. Ngoài ra, khó khăn của bóng đá Việt Nam còn đến từ vấn đề con người khi chúng ta thiếu những trọng tài, chuyên gia kỹ thuật để vận hành VAR một cách trơn tru.
Bóng đá Việt Nam sớm muộn cũng phải có VAR. Bằng nhiều cách khác nhau, khó khăn về tài chính, nhân sự sẽ được giải khi người trong cuộc cùng chung tay tìm phương án giải quyết. Nhưng từ nay đến lúc đó, chúng ta vẫn phải đối diện với những bài toán nan giải trong công tác điều hành. Hay nói cách khác, đừng chờ VAR bởi đó là câu chuyện của tương lai và V.League phải tiến lên với thật ít những sai sót về trọng tài.
Vậy nên, thay vì chờ VAR, đội ngũ trọng tài cần được đào tạo một cách bài bản hơn, chuyên sâu hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bóng đá. Các trọng tài phải được chuẩn bị về nghiệp vụ, tâm lý tốt hơn để vượt qua được áp lực tâm lý. Công tác quản lý, điều hành và phân công trọng tài phải đảm bảo luôn minh bạch, chuyên nghiệp.
Và thêm nữa, bản thân các đội bóng cũng phải thích ứng và tôn trọng cuộc chơi. Đó mới là những vấn đề cần phải làm ngay và có thể giải quyết được trong một sớm một chiều. Bóng đá Việt Nam muốn đi xa thì phải giải được những bài toán trong trước mắt.