U23 Việt Nam là lứa cầu thủ đã làm nên kỳ tích Thường Châu tuyết trắng vang dội châu Á. Sau 3 năm, một số cầu thủ đã bị bỏ lại phía sau, trong lúc số khác đang chật vật khẳng định mình. Bao nhiêu người trong số họ còn giữ được vị trí đá chính?
Lịch thi đấu vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của ĐT Việt Nam, khu vực Châu Á.
Nguyễn Quang Hải (sinh năm 1997)
Người ghi bàn thắng duy nhất hạ U23 Australia, người mở tỷ số tại trận gặp U23 Hàn Quốc, vẽ nên tuyệt phẩm “Cầu vồng tuyết” trong trận chung kết với U23 Uzbekistan. Quang Hải là cầu thủ chói sáng nhất, kinh qua tất cả các giải đấu cảm xúc nhất cùng thầy Park Hang Seo.
Luôn là niềm cảm hứng của các cấp đội tuyển, từ U17 World Cup 2017, U23 châu Á 2018, AFF Cup 2018, Asiad 2018, Asian Cup 2019… Phẩm chất kỹ thuật thượng thừa cùng sự tự tin cao độ luôn giúp tiền vệ của Hà Nội FC dễ dàng chơi bóng sòng phẳng dù đối thủ có là ai.
Lương Xuân Trường (1995)
Đội trưởng của U23 Việt Nam tại Thường Châu. Mất dần vị trí vào tay bộ đôi Hùng Dũng – Tuấn Anh tại Asian Cup và King’s Cup 2019. Anh bị đứt dây chằng gối trong khi tập trung chuẩn bị cho trận lượt đi gặp Malaysia tại vòng loại thứ 2, phải qua Hàn Quốc mổ và nghỉ dài.
Trước thềm vòng loại thứ 2 World Cup 2022, anh lấy lại được phong độ, cùng HAGL thăng hoa tại V.League. Xuân Trường được đá chính cả 3 trận trên đất UAE. Hy vọng sở trường chuyền bóng và đá phạt của Xuân Trường sẽ lại có đất dụng võ.
Đỗ Duy Mạnh (1996)
Là người cắm cờ tổ quốc Việt Nam trên đỉnh Thường Châu tuyết trắng, hình ảnh được phát đi phát lại trên truyền hình. Duy Mạnh thường xuyên có vị trí đá chính bên cạnh Quế Ngọc Hải nơi hàng thủ ở mọi giải đấu mà ĐTQG tham dự. Chấn thương đứt dây chằng tại Siêu Cúp QG 2020 khiến Duy Mạnh phải nghỉ thi đấu dài hạn, ra nước ngoài phẫu thuật.
Trở lại với quyết tâm cao độ, trung vệ của Hà Nội FC chỉ cần vài trận đấu tại V.League để lấy lại phong độ đỉnh cao. Một suất đá chính bên cạnh Quế Ngọc Hải đã lại được trả về cho chủ của nó.
Phan Văn Đức (1996)
Để lại dấu ấn đậm nét với những pha đi bóng, kiến tạo và dứt điểm sắc lạnh bên cánh trái, là chủ nhân bàn gỡ hòa 2-2 đầy cảm xúc vào lưới Iraq tại tứ kết. Là cánh chim đầu đàn, biểu tượng của CLB SLNA, Văn Đức bất ngờ dính chấn thương đầu gối năm 2019. Chấn thương dai dẳng khiến anh bặt tăm trên ĐTQG một thời gian rất dài.
Tuy nhiên khi đã mạnh khỏe trở lại, với khả năng đi bóng và dứt điểm tốt bằng cả 2 chân, nền thể lực bền bỉ, Văn Đức không có đối thủ ở vị trí tiền vệ lệch trái. Việc được đá chính phần lớn thời gian trên đất UAE vừa qua nói lên điều đó.
Nguyễn Văn Toàn (1996)
Tại Thường Châu 2018, anh chủ yếu ngồi dự bị cho Đức Chinh và Công Phượng. Sau đó từng bước khẳng định mình tại AFF Cup và Asian Cup 2019, Văn Toàn giành được suất đá chính tại một số trận thuộc vòng loại thứ 2 World Cup 2022, trong đó có những trận quyết định gặp Malaysia (1-0), Thái Lan (0-0) và UAE (1-0).
Hãy hỏi trung vệ nhập tịch Manuel Tom Bihr của ĐT Thái Lan để biết ai là tiền đạo ở Đông Nam Á khiến anh khiếp sợ nhất. Tốc độ xé gió và kỹ năng đi bóng lắt léo của Văn Toàn rất hợp với lối chơi phản công mà ĐT Việt Nam định thi triển trước Saudi Arabia.
Trần Đình Trọng (1997)
Chuyên gia “săn tây” đúng nghĩa tại Thường Châu, góp công lớn trong chiến công về nhì của U23 Việt Nam. Với chức vô địch tại AFF Cup 2018, Đình Trọng khiến Bùi Tiến Dũng chỉ biết thở dài trên băng ghế dự bị. Nhưng chấn thương đứt dây chằng đầu gối năm 2019 đã lấy đi của Đình Trọng tất cả.
Anh phải ra nước ngoài mổ và mất vị trí vào tay Bùi Tiến Dũng từ đây. Nôn nóng trở lại tại VCK U23 châu Á 2020, Đình Trọng lại dính chấn thương mu bàn chân. Chấn thương liên miên khiến không ai còn nhận ra trung vệ này. Lần này, với việc Tiến Dũng chấn thương giờ chót, Đình Trọng có tên đi Saudi Arabia và đang dốc toàn lực để lấy lại vị trí.
Vũ Văn Thanh (1996)
Gây ấn tượng mạnh tại VCK U23 châu Á 2018, khoảnh khắc lịch sử khoanh tay ngạo nghễ ăn mừng tại Thường Châu đã khắc sâu vào lòng NHM. Giữa năm 2018, Văn Thanh bị đứt dây chằng gối phải khi cùng HAGL tới TP.HCM làm khách tại V.League. Trở lại sau khi mổ và tập phục hồi, anh mất luôn vị trí vào tay Trọng Hoàng bên cánh phải cho tới nay.
Từ đó đến nay, dù có phong độ cao, Văn Thanh cũng chỉ biết tìm cơ hội từ băng ghế dự bị. Lần này, với việc Văn Hậu bị chấn thương giờ chót, Văn Thanh sẽ cạnh tranh sòng phẳng cùng Hồng Duy cho một suất đá chính tại… cánh trái.
Phạm Đức Huy (1995)
Là cầu thủ quan trọng, quán xuyến nhiệm vụ dọn dẹp, phòng ngự tại Thường Châu. Tiếp đà thăng hoa, Đức Huy còn ghi bàn thắng đẹp mắt trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 trên đất Malaysia. Nhưng do phong độ phập phù tại V.League, Đức Huy đánh mất vị trí vào tay Huy Hùng (Asian Cup 2019), Tuấn Anh và Hùng Dũng (King’s Cup 2019, vòng loại thứ 2 World Cup 2022).
Với điểm mạnh là nền tảng thể lực sung mãn, chơi bóng trách nhiệm, nhiều khả năng tiền vệ thủ của Hà Nội FC sẽ được dùng nhiều tại vòng loại thứ 3, nơi mà ĐT Việt Nam đụng độ toàn thứ dữ.
Nguyễn Thành Chung (1997)
Không có cơ hội thể hiện mình do Duy Mạnh – Đình Trọng chơi quá hay tại Thường Châu, nhưng Thành Chung là điểm sáng giúp U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 2019.
Tại ĐTQG, anh có nhiều tiến bộ nhưng chưa từng có kinh nghiệm đá cạnh trung vệ đàn anh Quế Ngọc Hải. Với việc có thể hình tốt, không chiến hay và lại chơi được… tiền đạo cắm khi cần, biết đâu cơ hội đá chính sẽ đến với Thành Chung, một cầu thủ vốn còn lạ lẫm với nhiều đối thủ.
Hà Đức Chinh (1997)
Có suất cứng trên hàng công U23 Việt Nam tại Thường Châu, ghi bàn bằng đầu đẹp mắt nâng tỷ số lên 3-2 trước Iraq tại tứ kết, nhưng chứng bệnh viêm gan B, men gan cao liên tục hành hạ khiến Đức Chinh mất cả suất đá chính trên hàng công SHB.ĐN lẫn các cấp ĐTQG. Một vị trí dự bị cho Tiến Linh là phù hợp. Anh sẽ lại phải tìm cơ hội cho mình từ những lần vào sân từ ghế dự bị hiếm hoi.
Nguyễn Công Phượng (1995) và Đoàn Văn Hậu (1999)
Là những trụ cột trong hành trình về nhì tại Thường Châu. Cả Công Phượng và Văn Hậu đã khẳng định được vững chắc vị trí của mình ở ĐTQG trong tất cả các giải đấu vừa qua. Đáng tiếc vì bận việc nhà (Công Phượng) và chấn thương (Văn Hậu), nên cả hai không thể đá chính.
Việc họ vắng mặt là vô cùng đáng tiếc, và làm giảm đáng kể sức mạnh của ĐT Việt Nam. Hy vọng tái trận tái đấu với Saudi Arabia ở lượt về tại Mỹ Đình, cả hai sẽ có phong độ cao nhất để phô diễn tài năng.
FPT Play và Truyền hình FPT là đơn vị sở hữu trọn vẹn bản quyền phát sóng 60 trận đấu thuộc khuôn khổ AFC Asian Qualifiers – Road to Qatar, trong đó có 10 trận tuyển Việt Nam góp mặt. Khán giả có thể theo dõi trực tiếp trọn vẹn toàn bộ giải đấu tại:
– App FPT Play: https://fptplay.vn/ung-dung/download
– YouTube: https://youtube.com/playlist?list=PL19gf5ZottsromUH6DXSiWV9v9xuCLDEn
– Website: https://fptplay.vn