Chỉ có 2 tân binh
VCK U23 châu Á 2022 có sự hiện diện của 16 đội, được tổ chức tại của Uzbekistan từ ngày 1-19/6. Kết quả bốc thăm chia thành 4 bảng gồm Uzbekistan, Iran, Qatar, Turkmenistan (bảng A); Australia, Iraq, Jordan, Kuwait (bảng B); Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia (bảng C); Saudi Arabia, UAE, Nhật Bản và Tajikistan (bảng D). Các đội sẽ thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm. Hai đội nhất nhì mỗi bảng sẽ vào tứ kết.
Trong các đội giành quyền dự VCK, chỉ có Turkmenistan và Tajikistan là lần đầu góp mặt. Hai đội có “thâm niên” ít hơn là Malaysia và Kuwait với 2 lần dự VCK. Còn lại, 12 đội đều đã từ 4-5 lần góp mặt trong lịch sử 5 lần sân chơi này được tổ chức. Iraq (2013), Nhật Bản (2016), Uzbekistan (2018) và Hàn Quốc (2020) là 4 nhà vô địch trong 4 lần tổ chức vừa qua. Trong đó, Uzbekistan lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Việt Nam trong trận chung kết kéo dài đến 120 phút với tỷ số 2-1 bằng bàn thắng ở những phút bù giờ cuối cùng của hiệp phụ thứ hai.
Có thể thấy, tuyệt đại đa số các đội tham dự VCK lần này đều đã ít nhiều ghi lại dấu ấn mạnh mẽ trong các VCK vừa qua. Không chỉ 4 nhà vô địch, những Qatar, UAE, Saudi Arabia, Iran. Australia… đều là những nền bóng đá mạnh của châu Á và họ cũng đã tiến sâu ở các sân chơi trước đây.
Khi có sự hội tụ của những đội tuyển trẻ mạnh, diễn ra vào đúng thời điểm các giải bóng đá gần như đã kết thúc hoàn toàn có thể “giải phóng” cho các cầu thủ trở về phục vụ màu áo tuyển trẻ QG, nên VCK U23 châu Á 2022 hứa hẹn sẽ hấp dẫn, có sức hút lớn với nhiều trận cầu có chất lượng cao. Bóng đá trẻ luôn chứa đựng nhiều bất ngờ nhưng theo đánh giá chung, những tên tuổi lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia hay chủ nhà Uzbekistan được đánh giá là các ƯCV nặng ký cho chức vô địch năm nay.
Kỳ vọng gì ở U23 Việt Nam?
Lá thăm may rủi đã đưa U23 Việt Nam nằm ở bảng D cùng với Hàn Quốc cùng 2 đội bóng của Đông Nam Á là Thái Lan và Malaysia. Bảng đấu này có thể coi là “giải trẻ Đông Nam Á mở rộng” khi ba đội bóng hàng đầu của khu vực ĐNÁ phải cạnh tranh nhau một suất đi tiếp bởi suất còn lại được coi là đã thuộc về nhà ĐKVĐ Hàn Quốc.
Đội bóng đến từ xứ sở Kim chi được đánh giá ở một đẳng cấp khác. Nhưng như đã đề cập, bóng đá luôn có yếu tố bất ngờ, nhất là ở các giải trẻ, nên đánh giá trên lý thuyết không phải lúc nào cũng đúng nên U23 Việt Nam hay Thái Lan hoặc Malaysia cũng vẫn có quyền hy vọng lật đổ Hàn Quốc.
Với U23 Việt Nam, sự kỳ vọng của NHM sau tấm HCV ở SEA Games 31 là rất lớn. 4 năm trước, U23 Việt Nam đã từng làm “chấn động” cả làng bóng đá châu Á khi giành vé vào chung kết. Tất nhiên, hy vọng vào một thành quả tương tự là rất khó khi chất lượng đội ngũ, cơ hội trải nghiệm trong chặng đường vừa qua của lứa cầu thủ hiện tại không bằng những Công Phượng, Quang Hải… Nhưng U23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ phải thể hiện được khả năng và tư cách của một nhà ĐKVĐ SEA Games 31.
Nói thế là bởi trong bảng của VCK U23 châu Á, Thái Lan và Malaysia là 2 “bại tướng” của U23 Việt Nam tại SEA Games 31. Thể hiện được vị thế của mình trước 2 đối thủ này cũng là cách đoàn quân của ông Gong Oh Kyun gần như cầm chắc tấm vé vượt qua vòng đấu bảng.