Dường như các nhà làm giải đã lường trước được những yếu tố rủi ro có thể xảy đến với từng đội tuyển nên đã cho phép đăng ký bổ sung cầu thủ ngay trong giải. Đây là điều ít gặp, chứ không muốn nói là chưa từng xảy ra ở các giải đấu chính thức trong điều kiện bình thường. Nhưng Covid-19, bất cứ đội bóng nào cũng phải đối diện với nguy cơ mất người, thậm chí không đủ quân số ra sân. Chẳng thế mà ĐT nữ Ấn Độ dù là chủ nhà Asian Cup nhưng phải rút lui vì không đủ quân thi đấu và cũng chẳng có quy định được phép thay người.
Với U23 ĐNÁ thì khác, sân chơi này được tổ chức để tạo bệ phóng cho bóng đá trẻ khu vực phát triển. Đó cũng là cơ hội để các đại diện của bóng đá ĐNÁ chuẩn bị cho VCK U23 châu Á, SEA Games 2021. Thế nên, đưa ra một điều lệ cởi mở, cho phép các đội bóng được thích ứng linh hoạt với bối cảnh dịch bệnh nhằm đảm bảo lộ trình của giải, sức mạnh từng đội bóng cũng là điều hợp lý. Với bóng đá Việt Nam, ngay sau khi đón nhận những thông tin không khả quan về tình hình lây nhiễm của các cầu thủ, ban huấn luyện và lãnh đạo VFF đã có bước đi quyết liệt, kịp thời để tăng cường lực lượng. Tất nhiên, viện binh của U23 Việt Nam đều là những quân bài dự phòng và đã được ông Đinh Thế Nam chuẩn bị từ trước.
Chắc chắn, để phải thay thế lực lượng trong khi giải đấu đang diễn ra là điều mà không HLV nào mong muốn. Bởi nó ảnh hưởng đến hệ thống chiến thuật, sự chuẩn bị về chuyên môn của ban huấn luyện. Nhưng vạn bất đắc dĩ, trong trường hợp này, được bổ sung quân số là may mắn và cần thiết cho U23 Việt Nam bởi chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng thực sự. Và lúc này, bên cạnh sự linh hoạt, rốt ráo trong xử lý tình huống bức thiết, ban huấn luyện U23 Việt Nam cần có những liệu pháp về tâm lý, điều chỉnh về chuyên môn cho phừ hợp với bối cảnh mới. Và cũng hy vọng rằng, trong hoàn cảnh nào, với đội ngũ nào thì U23 Việt Nam vẫn thể hiện được khát khao cống hiến cũng như tinh thần mầu cờ sắc áo trong thi đấu.