Nhưng thực tế, họ là những tài năng trẻ đến từ Tân Cương, miền đất hứa của bóng đá Trung Quốc!
GIEO MẦM HY VỌNG TỪ TÂN CƯƠNG
Không có một câu chuyện cổ tích với cái kết màu hồng cho U20 Trung Quốc, khi họ lỡ hẹn với tấm vé dự U20 World Cup 2023 sau trận thua ngược 1-3 trước U20 Hàn Quốc ở vòng tứ kết U20 châu Á 2023. Vậy là sau 18 năm, U20 Trung Quốc vẫn chưa thể trở lại với đấu trường thế giới. Dẫu sao, nhìn từ màn trình diễn của đội tuyển trẻ này trước U20 Hàn Quốc hay hành trình ở vòng bảng, bóng đá Trung Quốc có lý do để kỳ vọng vào tương lai tươi sáng…
Phút 48 trận tứ kết với U20 Hàn Quốc, Iminqari trượt dài trên thảm cỏ đầy hạnh phúc. Trước đó vài giây, anh băng xuống đón đường chuyền của đồng đội, trước khi tung cú dứt điểm khiến thủ thành của U20 Hàn Quốc chỉ biết đứng nhìn mành lưới rung lên. Đó là bàn thắng thứ 2 tại VCK U20 châu Á 2023 của Iminqari – một trong hai cầu thủ hiếm hoi ghi bàn cho U20 Trung Quốc ở giải đấu này, bên cạnh Xu Bin.
Trong một thoáng vu vơ, cái tên Mutellip Iminqari phảng phất nét nước ngoài khiến người hâm mộ không khỏi hoài nghi về một chính sách nhập tịch của bóng đá Trung Quốc. Và không chỉ duy nhất Iminqari, U20 Trung Quốc còn có những cái tên rất “tây” khác như Abdulla Adil, Abduweli Behram, Aifeierding Aisikaer, Shohret Rehmitulla… Cần nhấn mạnh, đây không phải là chiến lược nhập tịch của Trung Quốc. Thay vào đó, họ lựa chọn một hướng đi bản lề hơn, với những cái tên rất “tây” kể trên sinh ra và lớn lên tại Tân Cương – nơi vốn dĩ tiếp giáp với những nền văn hóa Tây Á và châu Âu như Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Pakistan, Mông Cổ.
Iminqari hay các đồng đội là những người Trung Quốc đúng nghĩa. Và Tân Cương được xem như miền đất hứa cho tương lai được phát triển cơ bản và lâu dài của bóng đá thuộc đất nước tỷ dân!
HÀNH TRÌNH TỪ CON SỐ 0 VÀ CẢM HỨNG MESSI
Tháng 8/2022, trang Beijing Review có một bài viết về sự trỗi dậy của thế hệ cầu thủ bóng đá đến từ Tân Cương. Yuan Yuan, ký giả của bài viết coi Tân Cương như một hiện tượng của bóng đá quốc gia này. “Tại Đại hội thể thao toàn quốc Trung Quốc 2021, thường được gọi là Thiểm Tây 2021, đội nam U20 Tân Cương đã đánh bại tất cả các đối thủ để tiến vào trận chung kết. Họ tạo nên màn trình diễn ấn tượng nhất và thuyết phục nhất. Sau đó, một số cầu thủ Tân Cương đã trở thành trụ cột tại nhiều CLB”, Yuan Yuan viết. “Những cầu thủ trưởng thành trong điều kiện tập luyện khắc nghiệt, không được đào tạo chuyên nghiệp. Thậm chí một số cầu thủ còn không nói được tiếng Quan Thoại chuẩn. Nhưng họ không bao giờ bỏ cuộc và luôn giữ tinh thần lạc quan”.
Yuan Yuan tập trung kể về một biểu tượng Tân Cương có tên Nurmemet Sherep: “Ở những nơi xa xôi như Kashgar, Tây Nam Tân Cương, bóng đá từ lâu trở thành môn thể thao được ưa chuộng. Nurmemet là một biểu tượng cho sự trỗi dậy, vượt qua nghịch cảnh của bóng đá nơi này. Đến từ một gia đình nghèo khó và nợ nần chồng chất, Nurmemet thậm chí không đủ tiền để mua một quả bóng mới. Thay vào đó, anh phải khâu lại một trái bóng cũ mèm, rách rưới, bịt lại những lỗ hổng bằng băng keo và tận dụng mọi địa điểm trong làng để thỏa niềm đam mê chơi bóng. Từ cánh đồng ngô, một cái lỗ trên tường đến cả bánh xe của một chiếc xe lừa bỏ hoang, Nurmemet đều hào hứng chơi bóng và mơ ước một ngày thành cầu thủ chuyên nghiệp”.
Cảm hứng bóng đá Tân Cương dẫn lối cho nhiều ký giả Trung Quốc khám phá miền đất hứa này. Hai phóng viên Hongyu và Liang Jun cùng nhau chắp bút cho bài viết: “Cầu thủ trẻ Tân Cương mơ trở thành Messi Trung Quốc”. “Một cậu bé 14 tuổi đến từ Tân Cương đã được tận mắt chứng kiến Lionel Messi vào năm 2017. Sau cuộc gặp gỡ ấy, cậu bé luôn thôi thúc mình phải trở thành “Messi Trung Quốc” trong tương lai”, họ mở đầu nhan đề bài viết.
Cậu bé ấy có tên Abduhalik Hemdulla, đến từ huyện Yecheng, tỉnh Kashgar, Tân Cương. Abduhalik bắt đầu đam mê bóng đá khi còn là học sinh lớp hai. Cậu bé đã tiết kiệm tiền ăn sáng trong vòng 2 năm, sau đó nhờ giáo viên thể dục mua cho mình một quả bóng. Xúc động trước niềm đam mê mãnh liệt của Abduhalik, thầy giáo thể dục đã đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, sau đó được lan truyền rộng rãi và trở thành cơn sốt tại Trung Quốc lúc bấy giờ. Với sự giúp đỡ của giới truyền thông bóng đá, Abduhalik đã được gặp thần tượng của mình là Lionel Messi vào năm 2017. Cậu bé đã nhận được một quả bóng có chữ ký, một chiếc áo thi đấu và một cái ôm ấm áp từ “El Pulga”
Nhiều trẻ em khác ở Tân Cương cũng có niềm đam mê mãnh liệt với trái bóng tròn. Theo Adil Yunus, người đứng đầu văn phòng thể thao của Tân Cương cho biết: “Bóng đá đã trở nên cực kỳ phổ biến trong vùng. Hơn 82.000 thanh thiếu niên Tân Cương chơi bóng đá hàng giờ mỗi ngày. Thậm chí mỗi làng đều có một đội bóng. Đến nay, nhiều thanh niên ở Tân Cương đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Trong đó có Mirahmetjan Muzepper, cầu thủ đầu tiên ở Tân Cương chơi cho đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc. Họ có niềm đam mê lớn với bóng đá và Lionel Messi chính là động lực thôi thúc họ cố gắng mỗi ngày”.