HLV Gong Oh Kyun bắt đầu ngồi ghế CAHN bằng những nụ cười. Nụ cười thể hiện cho sự tự tin, rằng ông có đủ đẳng cấp để dẫn dắt đội bóng đang là đương kim vô địch của V.League. Ông Gong có lý do để nở những nụ cười như thế và bản thân ông cũng muốn như thế khi trở lại Việt Nam hành nghề. Cuộc đời không như một giấc mơ và cũng chẳng giống kịch bản mà ông Gong vẽ ra cho mình. CAHN rơi theo phương thẳng đứng và ông Gong phải đánh đổi bằng chiếc ghế “đắt” bậc nhất V.League.
Người đi thì đã đi rồi, nhưng người ta vẫn có một thắc mắc: Tại sao sau khi ông Gong vừa bay ghế, các cầu thủ CAHN lại chơi tưng bừng và thắng luôn Bình Dương?. Có thể suy luận, ông Gong đã mắc sai lầm về chiến thuận hay không được lòng cầu thủ… Mọi thứ đều có thể xảy ra, bởi một HLV ngoại khi đến Việt Nam làm việc thì cần phải biết, họ cần những “cánh tay nối dài” trong phòng thay đồ và cần lắng nghe thay vì làm việc “tôi thích thì tôi làm”. Dường như ông Gong đã không chịu tìm hiểu những đặc thù của V.League và cả CAHN, mội đội bóng luốn hướng tới chiến thắng chứ không được… chiến bại.
Câu chuyện HLV Gong Oh Kyun không “bất bình thường” mà nó trở thành… bình thường ở V.League. Khó có nhà cầm quân ngoại nào thành công nếu không biết những “nguyên tắc ngầm” ở từng đội bóng. Đây có thể là lý do để Hà Nội dùng HLV Đinh Thế Nam sau bao năm dùng thầy ngoại. Người mới đến Viettel – HLV Thomas Dooley, sẽ phải nằm lòng bài học của Gong Oh Kyun. Tức phải nhìn trước nhìn sau, phải biết cương nhu… trước khi thể hiện uy quyền và năng lực chuyên môn.
Thầy ngoại không còn thịnh hành nhưng họ vẫn là một phần trong bức tranh tổng thể tại V.League. Câu chuyện ở đây, các CLB sẽ tận dụng chất xám của các thầy ngoại như thế nào và họ có kiên nhẫn với thầy ngoại hay không?. CAHN không phải là đại diện, nhưng nếu nhìn từ đội bóng này ít nhiều có thể thấy, thầy ngoại sẽ gặp rất nhiều thách thức khi thành tích luôn được xem là tối thượng, chứ không phải thứ bóng đá vị nghệ thuật… Cuộc chơi khốc liệt đang chào đón Mano Polking và Thomas Dooley phía trước.