Truyền thông được ví như “tiền đạo” trong sơ đồ 5-3-2 quen thuộc của bóng đá. Mô hình này đã được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đưa ra áp dụng, đồng thời phổ biến cho hầu hết các liên đoàn thành viên. Theo đó, thủ môn là Liên đoàn Bóng đá quốc gia; các hậu vệ là tiếp thị thể thao, đào tạo bóng đá trẻ, HLV, trọng tài, y học thể thao; các tiền vệ là bóng đá nữ, bóng đá nam, bóng đá trong nhà. Cặp tiền đạo là cổ động viên và truyền thông.
Trong lịch sử hình thành và phát triển, bóng đá thế giới nói chung, bóng đá Việt Nam nói riêng đều có sự đồng hành của truyền thông báo chí. Vì vậy, có thể khẳng định, truyền thông là một phần không thể tách rời và ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng trong bóng đá hiện đại. Từ đó, có thể thấy rằng AFC đặc biệt quan tâm yếu tố truyền thông, lực lượng mà AFC đánh giá cực kỳ quan trọng trong sơ đồ 3-5-2 vừa nêu trên. Bởi nếu, truyền thông không làm tốt vai trò cầu nối, công tác tiếp thị, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho bóng đá cũng không thể hoàn thiện và khi đó nguồn thu từ bóng đá cũng như các công tác chuyên môn tất yếu sẽ khó phát triển.
Những năm gần đây, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN), Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cùng các câu lạc bộ (CLB) trong nước đã quan tâm hơn tới công tác truyền thông và mối quan hệ này ngày càng phát triển hiệu quả. Sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như một cơ hội tuyệt vời xây dựng hình ảnh của đội tuyển quốc gia (ĐTQG), CLB, cầu thủ trước công chúng, người hâm mộ trong và ngoài nước. Đó sẽ là nền tảng, là “linh hồn” để xây dựng hình ảnh, khẳng định vị thế và thúc đẩy nền bóng đá nước nhà đứng vững bằng đôi chân của chính mình và phát triển, đáp ứng được lòng mong mỏi của người hâm mộ và toàn xã hội.
Trong buổi gặp gỡ các nhà báo phóng viên thể thao nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2022, Q.Chủ tịch LĐBĐVN Trần Quốc Tuấn khẳng định báo chí với vai trò là tiền đạo trong sơ đồ bóng đá có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của thể thao nói chung, bóng đá nói riêng.
“Nhà báo, phóng viên thể thao giống như những tiền đạo trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Những thông tin, hình ảnh của truyền thông, báo chí đã chia sẻ kịp thời để người hâm mộ Việt Nam có điều kiện cổ vũ, ủng hộ các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Cũng vì vậy, trong thời gian qua, LĐBĐVN đã nỗ lực, tạo điều kiện từ trong nước lẫn ngoài quốc tế để các phóng viên, nhà báo thuận lợi trong việc tác nghiệp, đồng hành cùng đội tuyển”.
Không chỉ tăng cường sự hợp tác với các cơ quan báo chí trong nước, LĐBĐVN còn mở rộng sự phối hợp đối với các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế, các tổ chức bóng đá quốc tế, đặc biệt là FIFA và AFC. LĐBĐVN cũng thay đổi phương thức tương tác để có sự chủ động hơn trong công tác truyền thông, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan báo chí để hướng tới sự phục vụ tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Cùng với thành tích của bóng đá Việt Nam tại các giải đấu quốc tế đã tạo được sự quan tâm lớn từ quốc tế; trên website của FIFA các bài viết về bóng đá Việt Nam (ĐTQG nam, nữ, Futsal) xuất hiện nhiều hơn; website AFC cũng đăng tải nhiều bài viết chân dung và phỏng vấn các cầu thủ, HLV trưởng các ĐTQG của Việt Nam…
Đây là lần đầu tiên, hình ảnh HLV và các cầu thủ bóng đá Việt Nam được quan tâm và đăng tải trên các website của các tổ chức bóng đá quốc tế theo từng sự kiện các đội tuyển Việt Nam tham dự. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của bóng đá Việt Nam đối với truyền thông quốc tế cũng như người hâm mộ bóng đá quốc tế. Không chỉ vậy, trong các cuộc bình chọn trực tuyến của AFC, các cầu thủ Việt Nam liên tục có tên và tạo sự chú ý nhất định.
Bóng đá Việt Nam cần đầu tư để xây dựng được những CLB mạnh, từ đó sẽ tạo ra nền tảng cho một ĐTQG mạnh. Giá trị về hình ảnh sẽ có sức mạnh, sức lan tỏa và thu hút lớn đối với khán giả cũng như những nhà đầu tư. Công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh, tạo ra thương hiệu phải quan tâm từ những điều nhỏ nhất. Ví như cách ứng xử với truyền thông của HLV, cầu thủ; tham gia các hoạt động quảng cáo hay sự đồng bộ, tính kỷ luật cao. Những động thái tích cực của nhiều CLB bóng đá trong nước đã cho thấy sự thay đổi về tư duy cũng như phương thức để phát triển hình ảnh của mỗi CLB.
Ngược lại, chính truyền thông, báo chí cũng đang đối mặt nhiều khó khăn. Ở đó, đòi hỏi báo chí trước hết phải có được sự thích ứng linh hoạt với thời cuộc, nhạy bén để đón nhận, phân tích và xử lý thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, chính xác nhất. Ngoài những khó khăn nói trên, cùng với ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid -19 đã khiến hoạt động báo chí thể thao gặp nhiều khó khăn trong khai thác thông tin trong quãng thời gian dài, từ đầu năm 2020 đến đầu năm 2022.
Tuy nhiên, với tinh thần thích ứng phù hợp với thực tế, công tác truyền thông của LĐBĐVN đã áp dụng linh hoạt các giải pháp, ứng dụng công nghệ vào quá trình triển khai công việc, đảm bảo tính hiệu quả truyền thông cũng như hỗ trợ các cơ quan báo chí tốt nhất. Do vậy, công tác truyền thông đã chủ động và kịp thời bắt nhịp với xu hướng truyền thông hiện đại khi áp dụng hiệu quả công nghệ khoa học cũng như sử dụng các trang mạng xã hội để có cách truyền tải thông điệp tới cộng đồng vì vậy sự hợp tác giữa LĐBĐVN với báo chí vẫn phát triển và nhận được sự hỗ trợ tích cực, các thông tin/hình ảnh các ĐTQG luôn được chủ động cung cấp tới báo chí và người hâm mộ một cách đầy đủ và phong phú, thông qua hình thức phát trực tuyến trên kênh youtube và các nền tảng mạng xã hội của LĐBĐVN.
Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và đối ngoại Cao Văn Chóng đánh giá cao sự đồng hành của các nhà báo và các cơ quan thông tấn báo chí đối với mọi mặt hoạt động của bóng đá Việt Nam và chia sẻ: “Truyền thông là một phần không thể tách rời đối với các hoạt động bóng đá và ngày càng nắm giữ vai trò quan trọng trong bóng đá hiện đại. Những năm gần đây, công tác truyền thông của LĐBĐVN đã được cải thiện rất nhiều. Không chỉ tăng cường sự hợp tác với các cơ quan báo chí trong nước mà còn mở rộng sự phối hợp đối với các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế, các tổ chức bóng đá quốc tế, đặc biệt là FIFA và AFC”.
Với sự tham gia tích cực và trách nhiệm của “tiền đạo” báo chí nên các hoạt động của bóng đá nước nhà đã được chuyển tải phong phú, đa dạng tới người hâm mộ bóng đá nước nhà và quốc tế, cùng góp sức nâng tầm phát triển của bóng đá Việt Nam.
Trong thời gian qua, LĐBĐVN luôn hỗ trợ tích cực để các phóng viên, nhà báo có điều kiện tác nghiệp các trận đấu/giải đấu do LĐBĐVN tổ chức hoặc phối hợp tổ chức một cách thuận lợi nhất. Khi phóng viên đồng hành cùng các đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế, LĐBĐVN cũng có những hỗ trợ tích cực để phóng viên có đủ các điều kiện tác nghiệp.
Đặc biệt, trong giai đoạn các hoạt động bóng đá tạm dừng để cùng cả nước chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, các nhà báo vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và nhiệt tình hưởng ứng các chương trình chia sẻ trách nhiệm cộng đồng của bóng đá Việt Nam, qua đó giúp lan tỏa và truyền đi những thông điệp tốt đẹp mà bóng đá có thể làm được trong việc gắn kết tất cả mọi người cùng chung tay chống dịch.
Vị trí “tiền đạo” được lãnh đạo LĐBĐVN nhắc đến hôm nay đã ghi nhận những gì mà báo chí, truyền thông đã đóng góp suốt thời gian qua. Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã và đang có những thay đổi tích cực hơn khi xếp báo chí ở một vị trí trọng yếu.
Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và đối ngoại Cao Văn Chóng khẳng định: “Trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam, bên cạnh nỗ lực của LĐBĐVN, sự đồng hành đến từ cơ quan báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xuyên suốt thời gian bóng đá Việt Nam chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn nhưng bằng nhiều cách thức khác nhau, các phóng viên vẫn nỗ lực để tác nghiệp và tuyên truyền thông tin xoay quanh đội tuyển Việt Nam. LĐBĐVN cảm ơn nỗ lực của các phóng viên, nhà báo. Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng nhau hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chung để đưa hình ảnh bóng đá Việt Nam thêm đẹp hơn nữa”.