Barca đang bước vào tuần lễ quyết định trong vụ bê bối chi tiền mua trọng tài ở La Liga. Cơ quan công tố Tây Ban Nha đã buộc tội họ đưa hối lộ, khi chi 7,3 triệu euro cho các công ty của cựu phó ban trọng tài Jose Maria Enriquez Negreira từ năm 2001 đến 2018, nhằm tác động đến việc phân công trọng tài cho các trận đấu của mình. Và trong khi chờ phán quyết của tòa án, UEFA đang treo trên đầu Barca một án cấm tham dự các cúp châu Âu ít nhất 1 năm.
Theo quan điểm của UEFA, sự hiện diện của một đội bóng từng dính líu đến việc làm sai lệch kết quả trận đấu ở các cúp châu Âu sẽ làm hoen ố danh dự của giải đấu. Nhìn lại quá khứ, tổ chức điều hành bóng đá châu Âu cũng từng nhiều lần áp các lệnh trừng phạt dành cho các CLB “nhúng chàm”. Trong đó, vụ việc nổi tiếng nhất là cấm Marseille dự cúp châu Âu và Siêu Cúp châu Âu, sau khi đội bóng này bị phát hiện mua độ hai cầu thủ Christophe Robert và Jorge Burruchaga của Valenciennes ở Ligue 1 năm 1993.
May cho Marseille là họ không bị UEFA tước mất chiếc cúp vô địch Champions League mùa 1992/93. Nhưng may mắn nhất phải là Milan, đội ban đầu bị LĐBĐ Italia (FIGC) trừ 15 điểm ở Serie A và cấm dự Champions League mùa 2006/07 vì vụ bê bối dàn xếp tỷ số Calciopoli. Quyết định phúc thẩm sau đó giúp Rossoneri được giảm án còn trừ 10 điểm, và vẫn được góp mặt tại cúp châu Âu.
Những gì diễn ra sau đó, như người ta vẫn nói, thuộc về lịch sử. Milan đi một lèo đến tận trận chung kết, rồi đánh bại nốt Liverpool với tỷ số 2-1 để đăng quang tại Champions League mùa 2006/07. Đây là chiến thắng đầy cảm xúc với đội bóng Italia, nhưng lại chẳng khác gì một cái tát với UEFA, khi họ chưa có cơ sở pháp lý để cấm Milan dự giải.
Vì thế, trong tháng 4/2007, tổ chức này đã phải bổ sung một loạt điều khoản vào quy định kỷ luật của mình. Trong số này, quan trọng nhất là điều 4.02 với nội dung: “UEFA có quyền tước bỏ quyền tham dự các cúp châu Âu ít nhất 1 năm với CLB có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm ảnh hưởng đến kết quả các trận đấu ở cấp quốc gia và quốc tế”. Điều khoản này cho phép UEFA cấm cửa một CLB ít nhất 1 năm, mà không cần dựa trên phán quyết của tổ chức thể thao quốc gia và quốc tế, hay các tòa án quốc gia.
Với vũ khí này, UEFA đã “khai đao” với FK Pobeda năm 2009 khi cấm CLB của Macedonia dự các cúp châu Âu trong 8 năm vì “dàn xếp tỷ số”. Hai đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ là Fenerbahce (mùa 2011/12, hai mùa từ 2013-2015) và Besiktas (mùa 2013/14) cũng từng chịu chung số phận. CLB giàu truyền thống nhất Romania là Steaua Bucharest thì dính đòn năm 2013, nhưng được hoãn thi hành án trong thời gian 5 năm thử thách. Còn mới nhất, CLB Skenderbeu (Albania) thậm chí bị cấm cửa tới 10 năm kể từ năm 2018.
Nhìn vào những tiền lệ này, rõ ràng Barca đang phải đối mặt với một viễn cảnh khá đen tối. Và tệ hơn, họ không chỉ phải đối mặt với UEFA, mà còn cả những người đồng hương. Từ LĐBĐ Tây Ban Nha, các đội bóng ở La Liga cho đến BTC La Liga, khi chủ tịch Javier Tebas của tổ chức này thậm chí còn thừa nhận: “Vì không được phép can thiệp, nên chúng tôi đã ‘mách’ UEFA…”.
Giải pháp cuối cùng là CAS
Trong trường hợp bị UEFA cấm cửa, Barca vẫn còn giải pháp cuối cùng là kháng án lên Tòa án Trọng tài Thể thao Quốc tế (CAS). Năm 1997, UEFA từng cấm Anderlecht dự cúp châu Âu mùa kế tiếp vì hối lộ trọng tài trong trận bán kết UEFA Cup với Nottingham năm 1984. CLB Bỉ không chấp nhận nên đưa vụ việc lên CAS và đến ngày 22/07/1998, tòa án này đã dỡ bỏ lệnh cấm của UEFA.