1. “Người hâm mộ Việt Nam thích bóng đá thắng”, HLV Park Hang Seo trả lời câu hỏi của phóng viên Bóng đá, trong trận hòa quan trọng 0-0 với Thái Lan trên sân Mỹ Đình ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Kết quả ấy tạo tiền đề quan trọng để ĐT Việt Nam lần đầu trong lịch sử lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup sau này. Trước những ý kiến về một cách chơi thực dụng, phòng ngự xù xì, nhà cầm quân Hàn Quốc sau gần 2 năm làm việc ở bóng đá Việt Nam đúc rút điều như vậy.
Suốt giai đoạn đầu cầm quân ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam, ông Park đã đảm bảo yếu tố cốt lõi bóng đá thắng ấy. Những chiến tích trên mọi đấu trường, từ cấp khu vực đến châu lục giúp ông Park trở thành nhà cầm quân vĩ đại trong lịch sử ĐT Việt Nam. Nhưng khi bước đến vòng loại thứ 3 World Cup, công thức phòng ngự của nhà cầm quân Hàn Quốc không thể đem lại bóng đá thắng cho ĐT Việt Nam.
Trước những đối thủ hàng đầu châu Á như Saudi Arabia, Australia, Nhật Bản, Oman đến Trung Quốc, ông Park và ĐT Việt Nam thua tới 7 trận liên tiếp. Nhà cầm quân Hàn Quốc cay đắng nói: “Chưa bao giờ trong sự nghiệp tôi lại trải qua giai đoạn khó khăn đến như vậy”. Lúc bấy giờ, một số ý kiến bắt đầu xét lại rằng: Việc chơi phòng ngự bị động, có phần bảo thủ của HLV Park Hang Seo không còn hợp với ĐT Việt Nam.
Một thời gian sau, nhà cầm quân Hàn Quốc nói lời tạm biệt “Những chiến binh sao vàng”. Thất bại ở chung kết AFF Cup với Thái Lan khiến chiến tích vẻ vàng kéo dài gần nửa thập kỷ của ông Park không trọn vẹn như mong muốn.
2. HLV Philippe Troussier được chọn lựa sau đó. Triết lý cầm quân của vị HLV này có những nét tương phản với ông Park Hang Seo. Quan điểm về một lối chơi giàu năng lượng hơn, kiểm soát không gian nhiều hơn, tích cực gây sức ép lên phần sân đội bạn hơn của ông Troussier được nhiều ý kiến ủng hộ ban đầu.
Tuy nhiên, như bao HLV khác, vị chiến lược gia người Pháp có cách chọn lựa cầu thủ của riêng mình. “Tiêu chí của tôi là chọn lựa cầu thủ có phong độ cao, thay vì mặc định đặt niềm tin vào những cầu thủ là công thần nhưng đã là chuyện quá khứ”, ông Troussier nói về việc không triệu tập một số cái tên từng tạo nên tiếng tăm với ĐT Việt Nam cùng HLV Park Hang Seo, đồng thời trao cơ hội cho những gương mặt trẻ vốn đã đồng hành cùng nhà cầm quân này từ thời U18 Việt Nam.
Chiến lược trẻ hóa đội tuyển, mở ra một lộ trình dài hạn hướng ĐT Việt Nam đến mục tiêu World Cup không sai. Nhưng việc những gương mặt trẻ do còn thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu dẫn đến chưa thể hiện được năng lực vô tình khiến HLV Troussier chịu sức ép. Thêm vào đó, việc U23 Việt Nam không thể bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games, cùng với chuỗi 3 trận thua trước các đối thủ mạnh hơn ĐT Việt Nam càng khiến cho áp lực càng đè nặng lên chiến lược gia người Pháp.
Bóng đá thắng không đến. ĐT Việt Nam của ông Troussier lại càng thêm áp lực. Niềm tin vào các cầu thủ trẻ thay cho những gương mặt kỳ cựu lại càng bị săm soi. Chủ nghĩa xét lại lập tức hiện diện. Và nhiều ý kiến lại cho rằng, biết đâu cách đá phòng ngự của HLV Park mới giúp ĐT Việt Nam không thua đậm trước những đối thủ mạnh như vậy!
3. Theo bản hợp đồng ký với VFF, HLV Troussier có 3 năm để đưa ĐT Việt Nam đến một đích đến gần với giấc mơ World Cup. Thậm chí nếu tuyệt vời hơn, ông thầy người Pháp có thể đưa Việt Nam vào tới đấu trường thế giới. Nhưng khi chiến lược đó mới chỉ đi qua 1/3 chặng đường, nhiều ý kiến bắt đầu thiếu kiên nhẫn, khi bóng đá thắng không được đáp lại ở ĐT Việt Nam.
Đáng nói hơn, 3 trận thua của Việt Nam dưới thời Troussier đều diễn ra trước những đối thủ mạnh hơn như Trung Quốc, Uzbekistan đến Hàn Quốc. Trong khi 3 trận thắng trước đó khi gặp Palestine, Hong Kong (TQ), Syria lại không được ghi nhận một cách công tâm.
Suy cho cùng, vòng loại World Cup 2026 – nơi mà HLV Troussier quan tâm rất lớn mới là thước đo chuẩn mực cho năng lực cầm quân và tuyển chọn nhân sự của vị HLV này. Hơn 20 năm trước, ông Troussier từng bị dư luận Nhật Bản chỉ trích khi thua Pháp 0-5 ở giao hữu năm 2001, sau những thử nghiệm về nhân sự. Nhưng 1 năm sau, nhà cầm quân này đã đưa ĐT Nhật Bản đến với World Cup.
Không nhiều người nhớ đến trận thua 0-5 của Nhật Bản trước Pháp lúc bấy giờ. Bởi “bóng đá thắng” đã dẫn đường chỉ lối cho Nhật Bản và Troussier được thừa nhận chuẩn xác hơn. Bóng đá thắng quan trọng thật đấy. Nhưng nó cần diễn ra đúng thời điểm, thay vì chỉ dừng lại ở giao hữu.