“Tôi đã nhìn thấy những cuộc đời tan vỡ ngay trước mắt”
Trent Alexander-Arnold biết rằng, mình là người may mắn. Anh là cầu thủ vô địch Premier League, có danh hiệu vô địch Champions League và đang là tuyển thủ Anh. Hậu vệ 24 tuổi này giành được tất cả trong gần hai thập kỷ qua để đạt đến đỉnh cao của đời cầu thủ, và cùng với đó đương nhiên là vinh quang đi kèm tiền thưởng khủng.
Nhưng với Alexander-Arnold thì hàng triệu cầu thủ khác có giấc mơ nhưng không đạt được và những hệ quả từ đó đôi khi rất tàn khốc.
Trong bài đăng trên Instagram vào tháng 2/2022, Alexander-Arnold đã hé lộ những tác động mà một cầu thủ tuổi teen phải đối mặt khi bị CLB thải loại, cũng như kêu gọi các cầu thủ trẻ có trải nghiệm tương tự tiến lên phía trước.
Và giờ, sau hơn một năm, Alexander-Arnold đã có cuộc trải lòng với Sally Nugent của chương trình BBC Breakfast về lý do tại sao anh sẵn sàng giúp đỡ họ.
“Giờ là lúc để thay đổi”
Ước tính mỗi năm tại Anh có 1,5 triệu cầu thủ ở các lò đào tạo và chỉ 180 cầu thủ (tương đương 0,012%) lên được Premier League. 3/4 bị loại khỏi học viện ở tuổi 13 tới 16. Rất nhiều trong số đó trở lại cuộc sống bấp bênh, thiếu định hướng nghề nghiệp dẫn tới khủng hoảng. Đỉnh điểm là cầu thủ 18 tuổi Jeremy Wister tự kết liễu đời mình chỉ 2 năm sau khi rời học viện Man City, gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng đáng lo.
“Tôi đã tận mắt chứng kiến sự khó khăn và chật vật của các cầu thủ trẻ khi bị loại khỏi học viện. Điều này đã diễn ra một thời gian dài và giờ là lúc để thay đổi”, Alexander-Arnold nhìn nhận.
Được sự hỗ trợ từ PFA (Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp), Alexander-Arnold bắt tay vào xây dựng “After Academy” để làm bến đỗ cho những cầu thủ trẻ không theo được bóng đá, nơi cung cấp cơ hội việc làm cho các cựu cầu thủ của học viện.
“Với tôi, “After Academy” là một giấc mơ và giấc mơ đó rất đơn giản: Tôi muốn bất cứ cậu bé hay cầu thủ nào bị thải loại khỏi học viện đều có một nơi có thể hướng đến”.
“Nó khiến tôi cảm thấy mình bị lạc lối”
“Tôi muốn thi đấu ở Anfield. Tôi muốn chơi ở những sân vận động lớn nhưng ở độ tuổi nhỏ như vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ điều đó là thực tế”, cậu bé Alexander-Arnold nhớ lại ước mơ và hoài bão lớn khi gia nhập học viện Liverpool năm 6 tuổi.
Alexander-Arnold ra mắt đội một Liverpool ngay sau sinh nhật lần thứ 18 vào tháng 10/2016 và chỉ trong 12 tháng, anh trở thành trụ cột đội hình của Jurgen Klopp. Anh chinh phục 7 danh hiệu lớn và có 18 lần khoác áo ĐT Anh.
Nhưng những người khác không được may mắn như vậy.
Liam Robinson, đến từ Preston, từng chơi bóng với Alexander-Arnold tại học viện Liverpool và hiện là nhân viên cấp thoát nước tại United Utilities.
“Đó là sự liên tục của bóng đá, bóng đá và bóng đá. Chỉ có cống hiến. Mọi thứ tôi làm đều liên quan đến bóng đá,” Robinson trải lòng với BBC Breakfast.
“Tôi có một kế hoạch và ước mơ trở thành một cầu thủ bóng đá dù có ở Liverpool hay không. Tôi không lên kế hoạch cho bất cứ điều gì khác vì quá tập trung vào ước mơ duy nhất của mình”.
“Năm lớp 10 hay 11, tôi được thông báo mình sẽ bị loại”.
“Thành thật mà nói, đó có lẽ nỗi đau đầu tiên mà tôi phải chịu đựng. Tôi vẫn nhớ rõ cảnh mình quay trở lại phòng thay đồ và bật khóc. Cảm giác như tất cả những gì bạn nỗ lực, tất cả những gì đã hy sinh, trong khoảnh khắc đó tất cả vụt mất”.
Đối với những cựu cầu thủ như Robinson, cảm giác bị từ chối tiếp tục đeo bám họ rất lâu sau khi rời sân tập lần cuối.
“Tôi đã nhiều lần nhận được những câu châm chọc kiểu ‘Ồ, bạn từng đá cho Liverpool và bây giờ bạn làm nghề này sao’.
“Ngành của tôi là về cống rãnh, là hệ thống thoát nước, vì vậy tôi phải nhận rất nhiều câu trêu đùa. Mọi người không nghĩ rằng nó ảnh hưởng nhiều đến bạn, nhưng thực tế là khác”.
“Nó khiến bạn cảm thấy vô dụng và trách mình đã phải làm tốt hơn”.
Vĩ thanh
Jeremy Wister đã có thể không tự tử nếu một dự án như “After Academy” được xây dựng sớm hơn. Nhưng với những gì hướng đến con người, không có gì là quá muộn.