Được biết, kinh phí dự kiến để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2026 khoảng 1.000 tỷ đồng. TP.HCM sẽ là địa điểm đăng cai chính, ngoài ra còn có sự kết hợp đăng cai một số nội dung thi đấu, từ các địa phương lân cận.Với việc xin đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 10 năm 2026, TP.HCM có thể trở lại với kỳ đại hội có quy mô toàn quốc sau đúng 20 năm (lần gần đây nhất là năm 2006)
Một trong những công trình được quan tâm trong việc đăng cai chính là sân vận động trung tâm. Hiện tại, sân Thống Nhất đã được nâng cấp sửa chữa từ 20.000 chỗ xuống còn 14.000 chỗ nhưng hệ thống cơ sở vận chất xung quanh đã xuống cấp. Do vậy, sau khi đề xuất đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2026, TP.HCM cũng có kế hoạch xây dựng các công trình mới.
Tại cuộc họp Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM, đề án xây mới các công trình thể thao tại TP.HCM đã được trình. Đáng chú ý trong số đó có sân vận động với quy mô 50.000 chỗ ngồi, bao gồm đường chạy điền kinh tiêu chuẩn quốc tế, kinh phí dự kiến 7.000 tỷ đồng. Các công trình khác được đề xuất có: Xây dựng mới nhà thi đấu TDTT tổng hợp, gồm một sân thi đấu chính (sức chứa 10.000 chỗ ngồi) và 2 sân phụ kết hợp khởi động (sức chứa 1.000 chỗ ngồi), kinh phí dự kiến 3.000 tỷ đồng. Xây mới sân thi đấu các môn điền kinh (ném lao, đẩy tạ, ném đĩa, nhảy cao…), sức chứa 10.000 chỗ ngồi, kinh phí dự kiến 1.500 tỷ đồng.
Xây dựng nhà thi đấu xe đạp lòng chảo, tích hợp với đường đua xe mô tô, kết hợp với sân bóng đá ngoài trời, sức chứa 5.000 chỗ ngồi, kinh phí dự kiến 4.000 tỷ đồng. Xây dựng học viện bóng đá với cụm 6 sân bóng đá ngoài trời, kinh phí dự kiến 1.000 tỷ đồng. Xây dựng khu thể thao dưới nước, kinh phí dự kiến 100 tỷ đồng…
Tổng cộng có 18 hạng mục được đề xuất xây dựng mới, tất cả đều tập trung tại thành phố Thủ Đức (thuộc TP.HCM), theo mô hình một khu liên hợp thể thao ở các quốc gia phát triển. Sau khi các công trình này hoàn thành, TP.HCM không chỉ có thể đăng cai các giải đấu trong nước, mà còn có khả năng tổ chức các đại hội thể thao lớn quy mô quốc tế.