Cách đây không lâu, Tottenham vào tận chung kết Champions League (2019). HLV Mauricio Pochettino nói ngay một câu làm giới hâm mộ căm ghét ông đến tận bây giờ. Pochettino nói ông “có thể ra đi”, vì những gì cần làm cho Tottenham thì ông đã làm hết rồi. “Đụng trần” rồi!
Một mặt, Pochettino hy vọng sẽ được mời đến Real Madrid hoặc Man City, coi như tiến đến tột đỉnh vinh quang trong nghề huấn luyện. Không có cơ hội nào tốt hơn để Pochettino “tự chào hàng”, trước trận chung kết Champions League. Nhưng mặt khác, Pochettino quả cũng nói đúng: “đụng trần” mất rồi. Nghĩ sao mà Tottenham có thể vô địch Champions League? Trong suốt lịch sử tồn tại, đội này đã làm được điều gì đáng kể?
Đấy có thể là cả một định mệnh: biệt danh của Tottenham chỉ là “chiếc cựa gà”, nhưng người ta phải vẽ hẳn chú gà trống để thể hiện hình ảnh cái cựa. Lại còn khẩu hiệu theo tiếng Latin “Audere est Facere”, có nghĩa “dám làm tức là đã làm”. Tottenham khi nào cũng to lớn hơn, so với cái thực chất bé tí của chính họ.
Tottenham không cần vô địch Champions League hay Premier League. Chỉ cần họ “dám” nhắm đến các danh hiệu ấy, thì cứ coi như họ đã là nhà vô địch! Riết rồi, không chỉ có giới hâm mộ Tottenham tự huyễn hoặc. Chẳng hiểu từ đâu ra cái đề tài “Tottenham đang bị… Arsenal hóa”!
Vâng, ai cũng biết Arsenal bết bát thế nào trong thời gian gần đây. Lụn bại lắm rồi. Nhưng đừng so sánh, bởi Tottenham đâu đã bao giờ là đội bóng lớn (đúng thực chất)! Lọt vào chung kết Champions League là bất ngờ lịch sử mà xin nói thẳng, sẽ chẳng bao giờ lặp lại (đến nỗi Pochettino phải chớp ngay cơ hội ấy để đánh tiếng xin việc ở các đội bóng lớn). Mùa này, Tottenham dự Europa Conference League. Nhưng có khác gì lúc Tottenham dự cái giải vớ vẩn gọi là Intertoto Cup?
Mùa này, Tottenham lại tuyển mộ Fabio Paraciti vào ghế giám đốc thể thao – chức danh đã bị bỏ trống từ năm 2015. Vẫn có giám đốc kỹ thuật Steve Hitchen (làm việc từ năm 2019 đến nay, trước đó ghế này bỏ trống). Khoảng chục giám đốc thể thao, giám đốc kỹ thuật, giám đốc bóng đá… đã đến rồi đi chỉ trong vài năm. Có lúc không ai làm việc. Có lúc ghế nào cũng có người ngồi. Đấy là cách làm việc quái đản của chủ tịch Daniel Levy – nhân vật đã trực tiếp làm việc trong vụ bán hay không bán Harry Kane. Đại khái, cũng rối beng và kém hiệu quả như cái “cơ cấu chuyên môn” đã kéo lùi Arsenal.
Nhưng, làm ơn đừng so sánh. Arsenal lụn bại, sa sút vì nọ vì kia. Còn Tottenham vốn dĩ “không là gì cả”. Đấy là đội bóng nổi tiếng nhất trong số những đội tầm thường ở Premier League. Còn cái khái niệm “Big 6” gì đấy, cũng chỉ là do người ta tự nghĩ ra thôi mà!