Toàn cảnh chuyển nhượng năm 2022 (phần 1): Thị trường bùng nổ sau dịch Covid-19
Đặc điểm cầu thủ
Năm ngoái, các cầu thủ từ 18 đến 23 tuổi đã thống trị cả số lượng các thương vụ có phí lẫn tổng chi tiêu cho phí chuyển nhượng, khi chiếm hơn 54% tổng chi tiêu cho năm 2022. Nhìn vào hình dưới đây, phí chuyển nhượng trung bình rất giống nhau ở tất cả các nhóm tuổi trên 18 tuổi. Tuy nhiên, 89 thương vụ có phí cho các cầu thủ dưới 18 tuổi lại nổi bật, với mức phí chuyển nhượng trung bình bằng khoảng một nửa mức phí trung bình cho các độ tuổi lớn hơn.
Hình 11 cũng tiết lộ tác động to lớn của các thương vụ top đầu tới tổng chi tiêu cho chuyển nhượng. 154 thương vụ cho nhóm cầu thủ có độ tuổi từ 18 đến 23 với phí chuyển nhượng trên 5 triệu USD chỉ chiếm 5,4% tổng số vụ chuyển nhượng có phí (và dưới 1% tổng số vụ chuyển nhượng). Tuy nhiên, nếu cộng tất cả lại, chúng chiếm tới 40% tổng số chi tiêu. Ngược lại, 1.112 vụ chuyển nhượng trong cùng độ tuổi với mức phí tối đa là 1 triệu USD chiếm gần 40% tổng số thương vụ có phí, nhưng chỉ chiếm 3,7% tổng phí.
Quy mô của phí chuyển nhượng cũng liên quan chặt chẽ đến thời hạn hợp đồng lao động của mỗi cầu thủ. Trong các thương vụ chuyển nhượng tự do, thời hạn hợp đồng trung bình thường là dưới 1 năm rưỡi (khoảng 16,8 tháng vào năm 2022). Đối với các thương vụ bao gồm một khoản phí, hợp đồng trung bình thường dài hơn một năm (khoảng 29,3 tháng vào năm 2022). Hình 12 cho thấy mối quan hệ trên đang chuyển dần sang hướng có phí: hay rõ ràng hơn là việc phí chuyển nhượng càng cao, thời hạn hợp đồng càng dài.
Hai yếu tố khác gắn liền với thời hạn của hợp đồng là mức lương và tuổi của cầu thủ. Vào năm 2022, các hợp đồng có tổng mức thù lao cố định hàng năm hơn 500.000 đô la có thời hạn trung bình là 32 tháng, tức dài hơn nhiều so với các hợp đồng có mức lương cố định thấp hơn (trung bình 17,3 tháng).
Tương tự, các cầu thủ trẻ thường nhận được hợp đồng dài hơn so với những lứa đàn anh của họ: thời hạn hợp đồng trung bình của các cầu thủ dưới 24 tuổi lớn hơn 5 tháng so với những người từ 24 tuổi trở lên (ở mức 21,4 tháng so với 16,4 tháng).
Quốc tịch
Năm 2022 đã tạo nên một kỷ lục khác để chứng minh cho sự toàn cầu hóa bóng đá: 183 quốc tịch khác nhau được đại diện bởi ít nhất một cầu thủ chuyên nghiệp đã di chuyển qua biên giới để gia nhập các đội bóng nước ngoài. Biểu đồ trong hình 14 nêu bật 10 quốc tịch hàng đầu về tổng số lần chuyển nhượng của họ và tổng mức phí chuyển nhượng cho các cầu thủ đó.
Brazil tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với hơn 2.000 vụ chuyển nhượng và tổng phí chuyển nhượng là 843,2 triệu đô la. Trong khi chuyển nhượng cầu thủ từ 3 quốc gia châu Phi là Nigeria, Ghana và Bờ Biển Nga – lọt vào top 10 về số lượng thương vụ, 10 vị trí hàng đầu về chi tiêu vẫn được nắm giữ độc quyền bởi các quốc tịch từ Nam Mỹ và châu Âu.
Hình 15 cho thấy số lượng các thương vụ và tổng chi tiêu cho 6 quốc tịch nằm trong 10 quốc tịch hàng đầu đối với cả hai danh mục. Trong khi số lượng các thương vụ tăng trưởng khá ổn định qua từng năm, thì chi phí chuyển nhượng thường thay đổi thất thường hơn.
Việc chuyển nhượng của các Liên đoàn
Các câu lạc bộ của UEFA (châu Âu) rõ ràng luôn thống trị về cả số lượng lẫn chi phí chuyển nhượng. Tổng chi tiêu của các câu lạc bộ châu Âu (5,88 tỷ USD) đã vượt quá tổng doanh thu của họ hơn 300 triệu đô la vào năm 2022. Trong khi các câu lạc bộ từ CONCACAF và AFC cũng chi tiêu nhiều hơn cho các thương vụ mua cầu thủ so với việc bán cầu thủ. Nhưng câu chuyện của hai liên đoàn CAF và CONMEBOL lại trái ngược hoàn toàn. Doanh thu của các câu lạc bộ châu Phi vượt quá chi tiêu của họ hơn 55 triệu đô la, trong khi các đội bóng từ CONMEBOL dư ra gần 430 triệu đô la.
Việc chuyển nhượng của các Hiệp hội bóng đá
Lần đầu tiên, các câu lạc bộ từ Bồ Đào Nha mua nhiều cầu thủ hơn bất cứ hiệp hội nào với tổng số 901 thương vụ đến vào năm 2022. Trái ngược, Brazil là hiệp hội bán cầu thủ nhiều nhất với tổng cộng 998 thương vụ ra đi. Trên thực tế, 338 trong số tất cả các thương vụ bán cầu thủ của hiệp hội Brazil là đến các câu lạc bộ ở Bồ Đào Nha, khiến đây trở thành luồng chuyển nhượng giữa các hiệp hội lớn nhất trong năm.
Các câu lạc bộ Anh theo truyền thống có chi tiêu hàng năm cho phí chuyển nhượng cao nhất trong số tất cả các hiệp hội, và 2022 đương nhiên không phải ngoại lệ. Lần đầu tiên, tổng chi phí của họ vượt mốc 2 tỷ đô la và đạt mức cao kỷ lục gần 2,2 tỷ USD. Sự thống trị của các đội bóng Anh cũng được thể hiện ở các thương vụ trong top 10, bởi có tới sáu thương vụ là của các đội bóng xứ sương mù.
Với tổng doanh thu 740,3 triệu đô la, các câu lạc bộ từ Pháp là nơi thu về lợi nhuận lớn nhất trong số các liên đoàn, nhưng con số trên vẫn thấp hơn nhiều so với doanh thu kỷ lục của chính họ vào năm 2019 ở mức 935,3 triệu đô la.
Biểu đồ phân tán trong hình 22 dưới đây cho thấy các câu lạc bộ từ các hiệp hội thành viên khác nhau đã lỗ hay lãi dựa trên các chi phí chuyển nhượng. Phần lớn các hiệp hội đều xuất hiện ở phần trên của đường chéo, có nghĩa là các câu lạc bộ của họ đã thu về từ việc bán cầu thủ nhiều hơn so với con số phải bỏ ra để mua cầu thủ.
Ngoài các hiệp hội được hiển thị trong biểu đồ bên dưới, có 27 hiệp hội với các câu lạc bộ tương ứng chỉ bán mà không mua bất cứ cầu thủ nào. Trái ngược với số trên, 8 hiệp hội có các câu lạc bộ tương ứng khác lại chỉ mua cầu thủ nhưng không bán bất cứ ai.
Đặc điểm câu lạc bộ
Gần 2/3 trong số 4.770 câu lạc bộ đã tích cực tham gia chuyển nhượng quốc tế vào năm 2022 chỉ hoàn tất các thương vụ mua mà không bán cầu thủ nào cho các đội nước ngoài. Tổng cộng có 1.364 câu lạc bộ (28,6%) thực hiện cả chuyển nhượng đến và đi, trong khi 257 câu lạc bộ còn lại (5,4%) bán cầu thủ nhưng không có bất cứ thương vụ quốc tế nào.
Có tới 60% các thương vụ đều được thực hiện khi cầu thủ đã đáo hạn hợp đồng và không có bất cứ liên kết nào đến việc giải phóng với đội bóng chủ quản. Ngoại lệ duy nhất cho các thương vụ trên là điều khoản bán lại được kích hoạt. Ngoài ra, cũng có sự khác biệt lớn về số thương vụ của mỗi câu lạc bộ. Trong khi đại đa số các câu lạc bộ đã hoàn thành không quá 5 vụ chuyển nhượng, thì cũng có một số câu lạc bộ đã thực hiện hơn 20 vụ chuyển nhượng chỉ trong năm 2022.
Cũng giống như tổng số câu lạc bộ tham gia chuyển nhượng quốc tế, số câu lạc bộ thực hiện các thương vụ có phí cũng tăng lên trong những năm qua, với tổng số 1.504 vào năm 2022. Trong số các câu lạc bộ này, 1.155 đội đã thu về lợi nhuận cho việc bán ít nhất một cầu thủ và 950 đội đã chi tiền cho các tân binh. Phần lớn các đội bóng sau khi cộng và trừ các khoản tiền cho chuyển nhượng đều còn lại dưới 1 triệu đô la: 720 trong số 1.155 câu lạc bộ bán cầu thủ (62,3%) và 572 trong số 950 câu lạc bộ mua cầu thủ (60,2%) thuộc loại trên.
Minh họa trong hình 26, phạm vi phổ biến nhất đối với tổng phí chuyển nhượng của một câu lạc bộ trên thực tế là từ 100.000 đô la đến 1 triệu đô la. Ít hơn rất nhiều so với 35 câu lạc bộ có tổng chi phí vượt quá 50 triệu đô la vào năm 2022.
61,9% số câu lạc bộ đã nhận về nhiều tiền hơn so với con số họ bỏ ra để mua cầu thủ vào năm 2022. Đối với các câu lạc bộ từ CAF, tỷ lệ này là cao nhất, với 86,6% câu lạc bộ tương ứng kiếm được lợi nhuận ròng từ hoạt động chuyển nhượng. Ngoài các câu lạc bộ được mô tả trong hình 27, có 554 chỉ bán mà không mua bất cứ cầu thủ nào và 349 câu lạc bộ có mua nhưng không bán bất cứ cầu thủ nào.
Top các đội bóng theo từng Liên đoàn
Ở phần này, báo cáo sẽ cho biết các câu lạc bộ hàng đầu của từng liên đoàn về chi tiêu của họ cho phí chuyển nhượng và số thương vụ bán cầu thủ. Để phản ánh tốt nhất khả năng bán cầu thủ, danh sách bao gồm cả những bản hợp đồng hết hạn lẫn các thương vụ giải phóng hợp đồng. Do số lượng chuyển nhượng nhỏ liên quan đến các câu lạc bộ từ OFC (8 vụ chuyển nhượng đến và 27 chuyển nhượng đi vào năm 2022), chỉ các câu lạc bộ từ UEFA, CONMEBOL, CONCACAF, AFC và CAF được hiện thị ở dưới đây.
Toàn cảnh chuyển nhượng năm 2022 (phần 1): Thị trường bùng nổ sau dịch Covid-19