Khái quát
Năm 2022 chứng kiến sự gia tăng số lượng các thương vụ chuyển nhượng lớn nhất từ trước đến này, tăng tới 11,6% so với năm 2021. Theo ghi nhận, đã có hơn 20.000 vụ chuyển nhượng quốc tế của các cầu thủ chuyên nghiệp nam được ghi nhận.
Tổng cộng, 20.209 vụ chuyển nhượng đã được hoàn thành, liên quan đến 4.770 câu lạc bộ từ cả sáu liên đoàn châu lục, và 182 trong số 211 hiệp hội thành viên của FIFA. Những vụ chuyển nhượng này có sự tham gia của 17.291 cầu thủ, đại diện cho 183 quốc tịch. Phần lớn các giao dịch (85,9%) không bao gồm việc thanh toán phí chuyển nhượng. Tuy nhiên, số thương vụ bao gồm phí chuyển nhượng cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại, cụ thể là 2.843.
Sau sự thay đổi mạnh mẽ về thời gian hoạt động chuyển nhượng quốc tế do đại dịch COVID-19 gây ra, vào năm 2022, mọi thứ đã trở lại như thường lệ khi số lượng các thương vụ đạt đỉnh vào giai đoạn tháng Giêng và giữa năm.
Các loại hình chuyển nhượng
Có 2.679 vụ chuyển nhượng theo dạng mua-bán đứt vào năm 2022. Mặc dù, chúng chỉ chiếm 13,3% tổng số thương vụ, nhưng hầu hết trong số này là những vụ chuyển nhượng được công chúng lẫn giới truyền thông chú ý. Số thương vụ theo dạng cho mượn cũng gần như tương đương (2.601 thương vụ, chiếm 12,9%), tiếp theo là các cầu thủ trở lại đội bóng chủ quản sau thời gian cho mượn (1.742 thương vụ; 8,6%).
Theo thường lệ, kiểu chuyển nhượng phổ biến nhất là những cầu thủ gia nhập đội bóng mới ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng. Có 13.187 trong số các vụ chuyển nhượng kiểu này diễn ra vào năm 2022, chiếm gần 2/3 tổng số thương vụ của năm. Khi một đội bóng thông báo cầu thủ hết hợp đồng, họ cũng cần đưa ra lý do chấm dứt hợp đồng lao động giữa đôi bên. 41% số thương vụ chuyển nhượng năm 2022 được thực hiện tại thời điểm cầu thủ đã chính thức đáo hạn hợp đồng với đội bóng cũ. Lý do phổ biến thứ hai (34,6%) là câu lạc bộ lẫn cầu thủ đều đồng thuận sẽ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Ngoài ra, có 20,3% các thương vụ được ký với các cầu thủ nghiệp dư, tức là họ chưa có bất cứ hợp đồng chính thức nào. Và chỉ có 4,1% các thương vụ xảy ra là do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Phí chuyển nhượng
Sau hai năm liên tiếp cắt giảm chi tiêu cho chuyển nhượng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vào năm 2022, các câu lạc bộ đã gia tăng đáng kể mức phí cho các thương vụ lên 33,5% so với năm 2021, với tổng chi tiêu là 6,50 tỷ đô la. Mặc dù con số này vẫn thấp so với các năm 2018 và 2019, nhưng nó cho thấy dấu hiệu của sự phục hồi từ các câu lạc bộ.
Dấu hiệu trên được phản ánh thông qua các chi phí dựa trên thương vụ chuyển nhượng tương ứng. Số lượng câu lạc bộ chi tiền cho chuyển nhượng (950 đội) cũng như các câu lạc bộ nhận tiền chuyển nhượng (1.155 đội) đã đạt đỉnh vào năm 2022, vượt qua cả mức trước đại dịch của năm 2019.
80,9% các khoản phí thỏa thuận vào năm 2022 là phí cố định, trong khi 19% là các khoản phí có điều kiện. Phí giải phóng hợp đồng không đóng vai trò quan trọng trong năm 2022, khi chỉ chiếm 0,1% tổng phí trong danh mục có điều kiện.
Trong gần 70% tất cả các thương vụ có tính phí, mức phí không vượt quá 1 triệu đô la. Trên thực tế, trong một nửa các thương vụ trên, mức phí đều ở dưới mức 301.000 đô la, được thể hiện thông qua mức phí trung bình cho mỗi thương vụ ở hình 6 phía dưới. Chưa đến 10% các thương vụ có tổng mức phí vượt quá 5 triệu đô la, chỉ có 276 thương vụ có mức phí như trên. Trên thực tế, chỉ tính riêng 276 lần giao dịch trên, con số đã chiếm tới 72% tổng chi tiêu cho chuyển nhượng năm 2022 với tổng chi phí là 4,68 tỷ đô la.
Phí bán lại
Chi phí này giúp một đội bóng có thể nhận thêm tiền trong tương lai nếu một cầu thủ họ từng bán tỏa sáng và thu về lợi nhuận cao từ một đội bóng thứ ba. Số lượng các thương vụ bao gồm phí bán lại đã phá vỡ kỷ lục những năm trước đó (với 2.224 thương vụ, tăng 35,7% so với năm 2021). Phí bán lại sẽ có hiệu lực cho các thương vụ mua đứt hoặc cho mượn, nên 2.224 giao dịch có loại phí này chiếm 42,1% tổng số thương vụ đủ điều kiện áp dụng.
Các thương vụ bao gồm phí bán lại đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, kể cả các thương vụ không kèm điều khoản phụ. Khoảng 58% tổng số giao dịch có phí đều chứa phí mua lại trong đó. Dù ít phổ biến trong các thương vụ chuyển nhượng tự do, nhưng số lượng của trường hợp này cũng có dấu hiệu tăng lên, đạt tỷ lệ 23,8% vào năm 2022.
Như thể hiện trong hình 8 bên dưới, phí bán lại cho thấy sự nổi bật ở các thương vụ cho các cầu thủ trẻ, mặc dù xu hướng vẫn đang gia tăng khá đều trên mọi nhóm tuổi. Trong gần 2/3 tổng số trường hợp, các câu lạc bộ đã đồng ý về mức phí bán lại tới 20% phí chuyển nhượng của vụ chuyển nhượng tiếp theo của cầu thủ đó. Phí bán lại vượt quá 40% thì không nhiều, khi chỉ có 12,5% trường hợp thuộc loại này.
Bồi thường đào tạo
Theo Quy định của FIFA về tình trạng và chuyển nhượng cầu thủ (RSTP), các câu lạc bộ đã đóng góp vào việc đào tạo cầu thủ theo các quy định cụ thể, sẽ được hưởng phần thưởng đào tạo (họ sẽ được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ phần trăm cho từng khoản phí chuyển nhượng của cầu thủ khi họ đến một đội bóng mới trước khi kết thúc năm dương lịch ở sinh nhật thứ 23 của cầu thủ).
Quy định này được giới thiệu vào năm 2001, nhưng các câu lạc bộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trước khi tiền về đến tay: từ việc phải theo dõi chuyển nhượng, đăng ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên cho cầu thủ, đến việc nộp đơn yêu cầu nhận tiền. Việc có quá nhiều thủ tục khiến nhiều đội bóng thậm chí không nhận được khoản phí mà họ xứng đáng được hưởng.
Vào ngày 16 tháng 11 năm 2022, FIFA đã mở văn phòng thanh toán bù trừ tại Paris (Pháp) với vai trò điều phối các khoản thanh toán. Văn phòng thanh toán bù trừ sẽ tính toán, nhận, xử lý và phân phối lại tất cả các phần thưởng cho các câu lạc bộ trong một khoảng thời gian ngắn.
Vào năm 2022, khoản đóng góp liên đới là 73,1 triệu đô la từ 439 thương vụ, và có 1.715 các yêu cầu đã được gửi tới FIFA để yêu cầu thanh toán. Cần lưu ý rằng, mỗi thương vụ chuyển nhượng hoàn toàn có thể xuất hiện nhiều hơn một đội được hưởng tiền đào tạo và điều đó có thể gây ra những khó khăn trong việc phân chia tiền tùy theo thời hạn cầu thủ có mặt tại đội bóng đó. Năm ngoái, khoản phí cho các đội có công đào tạo cầu thủ từ 106 thương vụ là 12,1 triệu đô la, và trong cùng thời gian, đã có 604 yêu cầu được gửi lên FIFA yêu cầu thanh toán.
Top thương vụ chuyển nhượng 2022
Dưới đây là 10 vụ chuyển nhượng cầu thủ quốc tế có giá trị cao nhất vào năm 2022. Chỉ tính riêng 10 thương vụ này, con số đã chiếm 12,5% toàn bộ số tiền chi cho phí chuyển nhượng vào năm 2022. Tương tự, trong số 2.843 giao dịch có tính phí, top 100 cái tên đắt giá nhất đã chiếm gần 50% tổng phí chuyển nhượng của năm 2022.
>> Toàn cảnh chuyển nhượng năm 2022 (phần 2): Xu hướng toàn cầu hóa rõ nét