Cho lần xuất ngoại cuối cùng
7 năm trước, Công Phượng có lần đầu tiên xuất ngoại trong cuộc đời. Khi đó, anh gia nhập CLB Mito Hollyhock của Nhật Bản theo diện cho mượn. Sau 7 năm, Công Phượng trở lại Nhật Bản khi đầu quân cho Yokohama FC, với bản hợp đồng lịch sử kéo dài tới 3 năm. Với Công Phượng, đây có thể là lần xuất ngoại cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Anh bồi hồi nhớ về 7 năm trước và so sánh với hiện tại: “Khi đó, tôi mới 21 tuổi – một cột mốc khởi đầu cho giai đoạn sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp của bản thân. Khi đó, tôi sung sức, khát khao cống hiến nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn hiện tại, tôi có cả kinh nghiệm lẫn khát khao cống hiến. Xuyên suốt 7 năm qua, tôi đã thi đấu nhiều trận ở cấp độ châu lục. Tôi đã cùng ĐT Việt Nam thi đấu với các đội tuyển hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, các đội tuyển Tây Á… Ở cấp độ CLB, tôi cũng cùng HAGL thi đấu AFC Champions League năm ngoái và gặp các CLB mạnh như Yokohama F.Marinos, Jeonbuk, Sydney FC”.
Công Phượng tâm sự: “Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, bản thân tôi đang đạt độ chín của sự nghiệp. Tôi sẽ tận hưởng khoảng thời gian quý giá này. Bởi tôi nghĩ trong tương lai, mình khó lòng có được một cơ hội quý giá như thế nữa. Việc sang Yokohama FC thi đấu có thể là lần cuối mà tôi được chơi bóng tại môi trường bóng đá đẳng cấp hơn Việt Nam”.
Trước câu hỏi của phóng viên Bóng đá về áp lực khi xuất ngoại, Công Phượng tự tin: “Tôi không còn là cầu thủ trẻ để mà sợ sệt, lo lắng. Tôi muốn được trải nghiệm và thi đấu bằng tất cả những gì có thể. 3 năm tới sẽ là thời gian lý tưởng để tôi thể hiện với phong độ cao nhất của mình. Tôi luôn chiến đấu không chỉ vì bản thân tôi mà còn cho cả bóng đá Việt Nam nữa. Tôi nghĩ tôi nỗ lực không chỉ vì sự nghiệp cá nhân mà còn là thể diện của bóng đá nước nhà”.
Cầu thủ Đông Nam Á cần sang Nhật Bản nhiều hơn
Công Phượng tâm sự: “Trước khi đến Nhật Bản, tôi đã gọi điện video với Chanathip Songkrasin. Tôi rất vui khi được trò chuyện với cậu ấy. Đó là một cuộc gọi riêng tư giữa tôi và Chanathip nên tôi không tiện chia sẻ. Khi gặp nhau trên sân cỏ, tôi nghĩ đó sẽ là một trận đấu hấp dẫn, đáng xem giữa Yokohama FC và Kawasaki Frontale của Chanathip. Tôi chưa có dịp nói chuyện với một cầu thủ Thái Lan khác thi đấu ở Nhật Bản là Supachok. Tôi mới có dịp gặp cậu ấy khi Việt Nam đấu với Thái Lan”.
Anh đưa ra quan điểm: “Khi một cầu thủ đến từ một nền bóng đá có trình độ thấp lên trình độ cao hơn thì sẽ phát triển năng lực rất nhanh. Tôi lấy ví dụ như bóng đá Nhật Bản. Rõ ràng đẳng cấp ở J.League và các giải châu Âu có một khoảng cách xa. Và vì thế, các cầu thủ Nhật Bản sang châu Âu rất nhiều. Khi tập trung ĐTQG, chúng ta cũng thấy Nhật Bản có nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài. Đó là lý do vì sao ĐT Nhật Bản lại càng mạnh hơn.
Thêm vào đó, tính cạnh tranh của các cầu thủ Nhật Bản chơi bóng ở châu Âu cũng rất khắc nghiệt. Riêng ở Sint Truidense, đội bóng Bỉ mà tôi từng thi đấu, có tới 5-6 cầu thủ Nhật Bản. Nhưng chỉ 1 người trong đó được triệu tập lên ĐTQG Nhật Bản mà thôi. Số lượng và tính cạnh tranh lớn giúp ĐT Nhật ngày càng mạnh”.