Làm sao để ghi bàn vào lưới đối thủ? Có lẽ câu hỏi này đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi ĐT Việt Nam tậm tịt trong cả 3 trận đấu giao hữu trước thềm vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Có thể lý giải thế này, các tiền đạo của HLV Troussier không có phong độ tốt. Hơn thế nữa, các đối thủ mà chúng ta gặp đều ở một đẳng cấp cao hơn nên việc ghi bàn không hề dễ chút nào.
Đương nhiên, sự giải thích không thể đơn giản như vậy. Vấn đề ĐT Việt Nam dưới triều đại của HLV Troussier gặp phải đến từ một hệ thống chứ không chỉ một vài cá nhân. Lấy ví dụ, khi hàng tiền vệ, những “trạm trung chuyển bóng” bị đứt gãy, mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ khó khăn. Đến đây, sẽ có người đề cập đến Hoàng Đức hay Hùng Dũng. Họ đã được sử dụng hay đã chơi thế nào chắc không cần phải nói lại.
Thực ra, không phải hiện tại, trước đó, người tiền nhiệm Park Hang Seo cũng không ít lần ca thán, ông có quá ít sự lựa chọn về nhân sự cho hàng tiền đạo. Nguyên nhân được giải thích, các CLB trong nước chủ yếu sử dụng ngoại binh trên hàng công, còn các cầu thủ nội trở thành “người phục vụ” hay chỉ là “thứ yếu” trong cách chơi. Chẳng phải điều này không có lý nhưng cũng chỉ một phần đúng. Các tiền đạo nội sẽ khó thoát được cái bóng của “tây” nếu như họ mang tư tưởng “tầm gửi” vào sân.
Tuấn Hải của hiện tại đang rất… hiện đại khi đã thể hiện phong thái của tiền đạo có thể tác chiến độc lập, sẵn sàng chơi 1-1 mà không cần “tây” chi viện… Có lẽ HLV Troussier thích Tuấn Hải ở điều này chứ không chỉ có phong cách chơi bóng như chiến binh. Văn Toàn, Quang Hải, Đình Bắc… đang cho thấy những điểm tích cực ở CLB nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ chơi hay khi lên tuyển bởi hai môi trường hoàn toàn khác nhau.
ĐT Việt Nam cần những tiền đạo mang tư tưởng như Tuấn Hải và có lẽ HLV Troussier cũng hiểu, ông cần làm gì để khơi gợi điều ấy cho các học trò. Có nói thế nào thì cũng phải chờ xem ông thầy người Pháp giải toán, còn trước mắt đã thấy những nốt nhạc vui.