Trọng tâm xoay quanh việc phát triển thương hiệu cho ĐT Việt Nam được các chuyên gia, nhà nghiên cứu thảo luận, phân tích và đóng góp ý kiến.
Đến dự buổi Hội thảo, về phía Tổng cục Thể dục Thể thao có PGS.TS Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng; PGS. TS Nguyễn Danh Hoàng Việt – Phó Tổng cục trưởng. Về phía khách mời, đến dự có các ông: Vương Bích Thắng – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT; Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Ban Kinh tế Trung ương; Trần Văn Mạnh – Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam; Trần Duy Ly – Chủ tịch Hội Khoa học TDTT lịch sử Việt Nam; Phạm Ngọc Viễn – Trưởng Ban Cấp phép VFF; Nguyễn Minh Ngọc – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VPF; các ủy viên BCH VFF; ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF và các Phó Tổng thư ký VFF; các Trưởng phòng, ban chức năng VFF và các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý của trong và ngoài ngành, các doanh nghiệp đơn vị truyền thông. Về phía Tạp chí Bóng đá, Phó Tổng biên tập Nguyễn Hà Thanh đến dự.
Phát biểu định hướng và khai mạc hội thảo, PGS.TS Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhấn mạnh: “Ngoài thắng lợi trên mặt trận chuyên môn, SEA Games 31 còn tạo ra kỳ tích trên mặt trận truyền thông. Tổng số lượt view của 2 hashtag chính của SEA Games trên Tiktok là 18,5 tỷ lượt view. Đây là kỷ lục của Tiktok, khi trước đó chỉ có 2 sự kiện thể thao gần đạt tới mức độ này là Olympic Tokyo 2020 và EURO 2020. Môn bóng đá được theo dõi nhiều nhất với 3,2 tỷ view trên Tiktok. Từ đó, chúng ta thấy được rằng bóng đá nói riêng và thể thao nói chung tại Việt Nam đã và đang có giá trị thương hiệu được người hâm mộ ủng hộ”.
Trong báo cáo tóm tắt một số kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Bộ về “Xây dựng thương hiệu đội tuyển Bóng đá nam quốc gia Việt Nam”, Thạc sỹ Bùi Việt Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có đề cập yếu tố chính và quan trọng nhất tạo nên thương hiệu của đội tuyển chính là thành tích thi đấu. Thứ hai là cầu thủ, huấn luyện viên. Thứ ba là truyền thông. Trước thực trạng xây dựng thương hiệu đội tuyển Việt Nam thời gian qua và định hướng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu trong thời gian tới, Phó Tổng thư ký Nguyễn Minh Châu của VFF báo cáo trước Hội nghị: “Năm 2017 đánh dấu những thành công của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế, sau quá trình đầu tư dài hạn và chú trọng bóng đá trẻ.
Những kết quả to lớn cấp khu vực và châu lục đánh đấu thời điểm khởi sắc của bóng đá Việt Nam. Điều đó đặt ra bài toán cần phải có sự đầu tư chiến lược và dài hạn để phát triển hội nhập bóng đá thế giới hướng tới World Cup 2026”.
Cụ thể về mục tiêu và tầm nhìn, từ năm 2023 đến 2025, ĐT Việt Nam phấn đấu vào Top 8 châu Á cũng như góp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup 2026. Năm 2026 và 2030, Việt Nam phấn đấu dự VCK World Cup cũng như vào Top 7 châu Á. ĐT nữ Việt Nam hướng tới top 4 châu Á. Trong giai đoạn từ 2027 đến 2031, ĐT nữ sẽ có kế hoạch để làm chủ nhà VCK World Cup.
Song song với mục tiêu, tầm nhìn chiến lược của 2 ĐT nam và nữ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Châu cũng đã đề cập đến quản lý thương hiệu, marketing, nguồn thu, quản lý tài trợ, khai thác truyền thông,… Trên cơ sở này, ông Nguyễn Minh Châu cho rằng trong thời gian tới, ngoài chuyên môn, các ĐT Việt Nam sẽ được chú trọng trong việc hoàn thiện khẩu hiệu (slogan) có bản sắc; có bài hát riêng để định vị; linh vật cho ĐT Việt Nam cũng như lan tỏa biểu tượng rồng ngậm ngọc rộng rãi hơn đến công chúng.