Kim Thanh đến với bóng đá vào năm 2007, khi cô đã 14 tuổi, trong một lần cựu tuyển thủ Mỹ Oanh về Long An tuyển cầu thủ năng khiếu. Cô được một thầy giáo thể dục giới thiệu lên trung tâm thể thao Quận 1 ở Tao Đàn (TP.HCM) để tập luyện với vai trò thủ môn. Kim Thanh nhớ lại: “Thời điểm đó em chưa hề biết gì về bóng đá, chỉ tham gia mấy trận bóng chuyển theo kiểu nhà quê đánh chơi cho vui. Lúc lên TP.HCM, các cô kêu tập gì thì tập đấy, nhưng thật sự rất vui và hứng thú lắm, vì cái gì cũng lạ lẫm và mới mẻ”.
Trong cuộc trò chuyện cùng tôi mới đây, thủ môn Kim Thanh hồi tưởng: “Thời điểm ấy em vô tư lắm cứ tập và tập thôi chứ không để ý gì nhiều. Năm 2010, em bắt đầu được đưa lên đội 1 tập luyện và dự bị cho chị Đặng Thị Kiều Chinh. Hồi ấy, chị Chinh đang rất nổi tiếng nên em rất ngưỡng mộ, nhưng 5 năm liên tiếp mài quần trên ghế dự bị em cũng buồn lắm. Mãi đến năm 2015, cô Kim Chi (HLV Đoàn Thị Kim Chi – PV) bắt đầu tung em vào sân thi đấu để được cọ xát và tích lũy kinh nghiệm thi đấu nhiều hơn”.
Được tung vào sân thi đấu vài trận ở mùa giải 2015, nhưng phải đến năm 2018 – thời điểm thủ môn Kiều Chinh chính thức giã từ sân cỏ, Kim Thanh mới chính thức trở thành thủ môn số 1 của CLB TP.HCM và ĐT nữ Việt Nam. Trong một lần trò chuyện, HLV Đoàn Thị Kim Chi đã nhắc đến cô học trò của mình với giọng trìu mến: “Suốt 8 năm trời bé Thanh dự bị cho Kiều Chinh, nhưng nó chẳng phàn nàn gì và luôn nỗ lực trong tập luyện. Từ năm 2015, tôi đã tung Thanh vào sân thi đấu để em nó hỗ trợ cho Chinh, nhưng do Chinh quá xuất sắc nên Thanh dẫu chơi rất tốt vẫn phải đóng vai dự bị. Đôi lúc nhìn cô bé tội nghiệp lắm!”.
Cách đây vài ngày, Kim Thanh gọi về cho tôi từ New Zealand, cô tíu tít kể rất nhiều chuyện về hành trình chuẩn bị cho World Cup nữ 2023 của ĐT Việt Nam. Cô bảo, bên ấy trời lạnh và mưa suốt nên tập luyện hơi cực một chút. Điều cô lo nhất là sân trơn bóng ướt. “Em và các đồng đội chỉ mong đến khi thi đấu trời tạnh ráo. Khi ấy, bọn em sẽ tự tin hơn, chứ như hôm đá với New Zealand thì hơi cực”.
Khi được hỏi bản thân có lo lắng khi đối đầu với các đối thủ hàng đầu thế giới tại World Cup sắp tới? Kim Thanh thổ lộ rất thật: “Trước đây khi đối đầu với các đối thủ cao to đến từ châu Âu, châu Mỹ, bọn em lo lắm, chưa kể là sự tự ti về thể hình trước họ. Tuy nhiên, thời gian qua được thi đấu nhiều, đặc biệt là chuyến tập huấn ở châu Âu vừa qua đã giúp bọn em tự tin hơn rất nhiều và chẳng còn ngán gì nữa. Nói thật, giờ gặp những đội bóng hàng đầu như Mỹ cũng bình thường thôi. Họ đã quá mạnh rồi, nên sức mình tới đâu thì cứ chiến đến đấy thôi. Mọi người ở nhà đừng lo, bọn em đã xác định tinh thần rồi nên vào giải là chơi tưng bừng thôi, tới đâu thì tới vậy”.
Trò chuyện một hồi, tôi lại nhắc đến những ngày tháng ngồi dự bị ở CLB TP.HCM và ĐTQG, khi ấy Kim Thanh đã chia sẻ: “Một thời gian quá dài ngồi ghế dự bị em cũng buồn, nhưng thật sự em chưa bao giờ nản lòng và có ý nghĩ chia tay với bóng đá. Sở dĩ thế, vì ngồi dự bị cũng giúp em học được nhiều về kinh nghiệm và kỹ năng qua những trải nghiệm của bản thân. Kế đến, em vẫn nhớ lý do tại sao mình đến với bóng đá, bởi thời điểm ấy nhà em ở Long An nghèo lắm. Em đến với bóng đá nhằm giúp cho gia đình đỡ một miệng ăn và đấy là lý do khiến em phải luôn nỗ lực cho đến tận bây giờ”.
Nỗi ám ảnh Asian Cup nữ 2018
Cho đến thời điểm này, Kim Thanh vẫn chưa quên được giải đấu đầu tiên cho bắt chính trong màu áo ĐTQG tại Asian Cup nữ 2018, đặc biệt là trận bán kết gặp U20 Australia.
“Thời điểm ấy lần đầu tiên bắt chính, kinh nghiệm thi đấu quốc tế của em là con số 0 và chưa có nhiều kinh nghiệm, nên em đã phạm khá nhiều lỗi sơ đẳng, dẫn đến đội thua 2-4. Sau trận đấu em buồn nẫu ruột và bị ám ảnh suốt một thời gian dài”, Kim Thanh hồi tưởng.