Trận hòa 0-0 với Southampton cho thấy nỗi lo thiếu trung phong của Man City là có thật. Không phải lúc nào các tiền vệ cũng làm thay được nhiệm vụ cơ bản của Raheem Sterling và Gabriel Jesus.
Trước Southampton, Man City có một ngày tồi tệ trong khâu dứt điểm. Họ tung ra 16 pha bắn phá khung thành đối phương nhưng chỉ duy nhất 1 lần trúng đích (cú đánh đầu của Phil Foden vào phút bù giờ). Đây là thông số thấp nhất của Man City trong một trận đấu Premier League kể từ trận gặp Stoke City vào 08/03/2017 (1 cú dứt điểm trúng đích).
Những người dứt điểm nhiều nhất của Man City trước Southampton là Sterling (4 lần) và Jesus (3 lần) đều không đưa bóng trúng đích lần nào cả. Sterling trong trận đấu thứ 200 cùng Man City tiếp tục phô bày sự vô duyên trước khung thành đối phương, điển hình như pha đặt lòng chệch cột vào giữa hiệp một. Jesus cũng tệ không kém với những pha dứt điểm cận thành thiếu chính xác.
Có lẽ Guardiola đã sai ngay từ cách bố trí đội hình khi bất ngờ sử dụng cả Sterling lẫn Jesus, những mũi nhọn thường xuyên ngồi dự bị. Man City từ lối đá linh hoạt với tiền đạo ảo Ferran Torres (trận này ngồi ngoài) chuyển sang cách đá “mộc” hơn khi dồn bóng xuống hai bên rồi căng vào cho tiền đạo phía trong. Nhưng cách chơi này vô tình vạch trần hạn chế trong khâu dứt điểm của Man City. Họ thiếu hoàn toàn một số 9 biết rình rập, biết chạy chỗ, đánh đầu, và ra chân gọn lẹ.
Khi Guardiola sửa sai bằng cách tung De Bruyne, Mahrez và Foden vào sân trong hiệp hai, tuyến tiền vệ Man City lên bóng sắc bén hơn hẳn. Nhưng khâu dứt điểm vẫn không có ai đảm nhiệm tốt. Trận hòa 0-0 với Southampton nhắc nhở Guardiola rằng họ đã có một kỳ chuyển nhượng thất bại, khi không thể mang về Harry Kane hay Cristiano Ronaldo, những trung phong mà Pep thèm muốn nhằm giải quyết bài toán ghi bàn.
Thiếu một trung phong tầm cỡ, Guardiola đã gây dựng lối chơi tiền đạo ảo khá nhuần nhuyễn và hiệu quả. Man City ghi tới 17 bàn thắng trong 4 trận gần đây trước khi gặp Southampton. Hệ thống 4-3-3 của Man City với Ferran Torres xuất phát ở vị trí cao nhất thực ra không có ai là trung phong thực sự. Dựa vào sức mạnh của hàng tiền vệ, khả năng tấn công hữu hiệu của các cầu thủ chạy cánh và sự linh hoạt của các cầu thủ trong việc chiếm dụng không gian, lối chơi tiền đạo ảo của Man City cho thấy sức công phá đáng nể.
Nhưng chính Guardiola cũng hiểu rằng không thể đánh bại mọi đối thủ chỉ bằng một vũ khí duy nhất. Thất bại trước Tottenham ở vòng mở màn cho thấy lối chơi tiền đạo ảo của Man City có thể bị bẻ gãy hoàn toàn trước những đối thủ già giơ và phòng ngự kỷ luật. Ở trận đó, HLV Nuno Espirito Santo chỉ đạo các học trò không bị hút vào Ferrran Torres, mà tập trung phong tỏa hai cánh và gây sức ép ngộp thở lên các tiền vệ Man City. Khi Tottenham làm tốt điều đó, sự linh hoạt của Man City bị hạn chế tối đa.
Chính vì thế, Guardiola không muốn dựa dẫm vào lối chơi tiền đạo ảo. Cuộc tiếp đón Southampton cho thấy một Man City ít biến ảo hơn, chủ động nhồi bóng vào vòng cấm cho tiền đạo dứt điểm. Nhưng khổ nỗi họ chẳng có một Harry Kane, Robert Lewandowski hay Erling Haaland. 15 pha dứt điểm trong 90 phút chính thức đều không tìm trúng khung thành Southampton.
Thiếu một số 9, hàng công Man City chưa thể “chín” và bài toán này cần được giải quyết khẩn trương trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông.