Nếu nhìn vào danh Top 10 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất làng túc cầu mọi thời đại, chúng ta chắc hẳn sẽ chột dạ bởi đa số đều gây thất vọng tràn trề, thậm chí có những cầu thủ được đánh giá là bản hợp đồng thảm họa.
Cùng điểm qua nào: Neymar (từ Barca sang PSG), Kylian Mbappe (từ Monaco sang PSG), Phillipe Coutinho (từ Liverpool sang Barca), Jack Grealish (từ Aston Villa sang Man City), Ousmane Dembele (từ Dortmund sang Barca), Eden Hazard (từ Chelsea sang Real), Joao Felix (từ Benfica sang Atletico), Antoine Griezmann (từ Atletico sang Barca), Romelu Lukaku (từ Inter sang Chelsea) và Cristiano Ronaldo (từ Real sang Juventus).
Công bằng mà nói, trong 10 thương vụ bom tấn nêu trên, chỉ có mình Mbappe là thành công. Số còn lại có người gây thất vọng ít, có người nhiều và có cả những bản hợp đồng xứng danh tệ nhất lịch sử. Felix ngụp lặn ở Atletico và mới bị đem cho Chelsea mượn. Lukaku trở lại Chelsea từ Inter song cũng chỉ trụ lại đúng 1 mùa. Người đồng hương của Lukaku là Hazard thì khỏi phải bàn, khi anh bị coi là “cục nợ” của Real. Trong khi đó, Barca có đến 3 cái tên đáng quên gồm Coutinho, Griezmann và Dembele.
Trường hợp của Felix có lẽ là điển hình hơn cả, bởi Atletico đã dốc hầu bao cực khủng để đưa tiền đạo người Bồ Đào Nha từ Benfica sang Tây Ban Nha. Bị núi tiền đè nặng lên vai, ngôi sao 23 tuổi cho đến nay vận giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi dù sự kỳ vọng dành cho anh là khổng lồ.
“Với những trường hợp như này, thường có 2 vấn đề nảy sinh: hoặc là do cầu thủ không thích nghi với môi trường mới, hoặc là câu lạc bộ đã không thành công trong việc giúp anh ta tìm thấy môi trường thích nghi đó”, Victor Sanchez del Amo – cựu HLV trưởng của Deportivo La Coruna và Real Betis – nói.
“Đằng sau tất cả những điều này là mối quan hệ giữa cầu thủ và huấn luyện viên. Khi bạn đến một câu lạc bộ, bạn có trách nhiệm biết mình sẽ đến câu lạc bộ nào. Bạn nên hiểu triết lý của đội bóng, bởi sau đó bạn không thể lấy đó làm cái cớ vì khi ký hợp đồng, bạn đã biết ở đó có những gì. Trong trường hợp của Joao Felix, triết lý rất rõ ràng. Ở những người khác, đôi khi nó không rõ ràng như vậy. Có vẻ như còn thiếu một cái gì đó với bản hợp đồng này từ cả hai bên”.
Gregorio Manzano, người hiểu rõ Atletico trong thời gian dẫn dắt đội bóng này, cũng thảo luận về ví dụ của Felix. “Có lẽ cái sai nằm ở phí chuyển nhượng. Họ nói rằng thứ gì đó xứng đáng với số tiền bạn sẵn sàng trả cho nó, nhưng có lẽ có những cầu thủ, không thể hiện được điều gì nổi bật trước đó, lại được định giá cắt cổ. Đó là trường hợp của Joao Felix và một số bản hợp đồng gần đây của Real Madrid.
Mức phí như vậy là con dao hai lưỡi. Với mức chi này, phải khấu hao qua nhiều năm mới hiểu. Đôi khi nó xứng đáng và được đền đáp, nhưng như bạn có thể thấy trong những trường hợp này, đôi khi không. Không có cây đũa thần vì có nhiều biến số và mỗi trường hợp là duy nhất”.
Francisco Torreblanca, một chuyên gia marketing và là giáo sư tại một trường đại học nổi tiếng, đã trình bày một lý thuyết khác về lý do tại sao Joao Felix không đáp ứng được kỳ vọng. Ông nói: “Có một lý thuyết trong kinh tế học được gọi là ‘ảo tưởng về tiền bạc’. Đó là kiểu bạn cảm thấy mình sẽ trở nên giàu có vì bạn đạt được một khả năng hoặc địa vị trong thời gian kỷ lục. Nhưng khi bước lên, bạn sẽ chịu thêm áp lực, ít kinh nghiệm và bạn luôn bị réo tên vì bạn là người mới tham gia thị trường.
Bạn có thể trở nên nổi bật trong một lĩnh vực cụ thể với các biến số cụ thể, nhưng sau đó bạn chuyển sang một lĩnh vực khác và nghĩ rằng mình cũng sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, điều đó không thành công vì có những biến số khác. Sự phát triển bùng nổ, như trường hợp của Joao Felix ở Benfica, có thể nguy hiểm. Mặc dù rất ấn tượng nhưng cậu ấy mới chỉ ra sân được ít chứ chưa nhiều”.
Miguel Martin, Giám đốc điều hành của SportCoach, nêu quan điểm: “Ở trong một môi trường mà bạn cảm thấy được yêu mến và thoải mái cũng quan trọng như việc thích nghi với hệ thống thi đấu. Và một yếu tố khác là sự kiên nhẫn để phát triển chất lượng của bạn, vì phí chuyển nhượng của càng cao thì sự kiên nhẫn dành cho bạn sẽ càng ít đi”.