Ngày 23/9/1954, Thể Công được thành lập, theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh. Bóng đá là một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, mà cụ thể ở đây là mặt trận tuyên truyền, dân vận trong bối cảnh đất nước ở thời điểm lúc bấy giờ. Thể Công và bóng đá không chỉ đóng nhiệm vụ là cầu nối tăng thêm tính đoàn kết dân tộc, mà còn là một trong những biểu trưng cho niềm tự hào khi ra đấu trường quốc tế.
Cái tên Thể Công bắt đầu lừng lẫy bắt đầu từ giai đoạn này với những trận đấu đình cao với những đội bóng thuộc khối XHCN gồm Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Cuba… Mỗi trận đấu hay, mỗi một thắng lợi của Thể Công đều khiến cho dân quân cả nước nức lòng phấn khởi. Có thể kể đến như thắng lợi 4-1 trước Bát Nhất (Trung Quốc) trước sự chứng kiến của 100.000 người xem tại Bắc Kinh, hay như Thể Công đánh bại ĐT Cuba với tỷ số 3-2.
Động lực của chiến đấu và chiến thắng hoàn toàn trong vắt như thế, trong bối cảnh nền thể thao, giải trí bị hạn hẹp bởi chiến tranh, dễ hiểu tại sao Thể Công được coi là một biểu tượng của sức mạnh Việt Nam trên đấu trường thể thao quốc tế. Thể Công trở thành tài sản quý giá không chỉ của quân đội mà còn của NHM bóng đá Việt Nam.
Sau khi thống nhất đất nước, Thể Công càng nổi danh hơn hơn với giai đoạn thống trị sân cỏ nước nhà ở những năm 1980. Trong vòng 10 năm của thập niên này, họ đã kiếm được 4 chức vô địch A1 và giải VĐQG. Dù sau 1975, sân cỏ Việt Nam bắt đầu xuất hiện nhiều đội bóng ngành, địa phương nổi tiếng, nhưng Thể Công vẫn là thương hiệu số một trong lòng NHM.
Thế rồi, lại có lúc Thể Công bị biếm tên, buộc phải chuyển sang một cái tên rất “ngành” là CLB Quân Đội giống như các đội bóng Công An, Hải Quan, Cảng, Gang, Xi Măng… Lý do rất đơn giản, ở giai đoạn này, đội bóng thi đấu không tốt, nên lãnh đạo quân đội cho rằng những điều này làm ảnh hưởng đến thương hiệu Thể Công kiêu hùng.
Theo cựu danh thủ, cựu HLV của Thể Công là Vương Tiến Dũng – người thuộc thế hệ nhập ngũ Thể Công năm 1965 – hai chữ Thể Công cực kỳ thiêng liêng với quân đội, bởi nó gắn liền với lịch sử hào hùng của đoàn Thể thao – Văn công quân đội và nó không được phép làm lu mờ bởi những thất bại của đội bóng được vinh dự gắn tên đó.
Tuy nhiên, CLB Quân Đội ở giai đoạn nửa đầu thập niên 1990 đã sa sút nghiêm trọng, đến mức phải xin được dùng lại tên Thể Công nhằm có điểm tựa lịch sử hòng thoát khỏi khó khăn. Thế nhưng, sức mạnh truyền thống đó cũng không thể giúp được đội bóng cải thiện tình hình, thậm chí đôi lần suýt xuống hạng.
Trước thực tế đó, các cựu chiến binh và CĐV kỳ cựu liên tục lên tiếng tại sao đội bóng lại thi đấu nhợt nhạt, đánh mất sự kiêu dũng của Thể Công khi xưa. Mang danh Thể Công mà thi đấu như thế này chính là xúc phạm niềm tự hào của quân đội. Do đó, năm 1997, bộ Quốc Phòng lại “cất cái tên Thể Công”.
Đến năm 1997, HLV Vương Tiến Dũng được giao nhiệm vụ xây dựng lại đội bóng quân đội với những cầu thủ nhập ngũ năm 1988 như Hồng Sơn, Đỗ Dũng và các thế hệ trẻ hơn như Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng… Ông sử dụng phương châm “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” để giúp đội bóng có được sức mạnh ý chí của Thể Công ở thời huy hoàng. “Cơn Lốc Đỏ” quân đội đã cuốn phăng mọi đội thủ suốt cả mùa giải và trở thành nhà vô địch của mùa giải 1998.
Phấn khởi trước hình ảnh đội bóng hoàn toàn mạnh mẽ, đầy sức chiến đấu, tháng 8/1998, Bộ Quốc Phòng lại ký quyết định cho đội bóng được sử dụng tên Thể Công. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau, bóng đá Việt Nam bước vào thời kỳ chuyên nghiệp V.League, làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chơi.
Những quy định “quân lệnh như sơn” như không dùng ngoại binh, không mua cầu thủ đã khiến Thể Công suy yếu trước các đối thủ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Cuối cùng, sự sa sút thậm tệ của Thể Công đã khiến bộ Quốc Phòng đi đến quyết định khiến hàng vạn CĐV Thể Công khóc ròng: “Cất phiên hiệu Thể Công vĩnh viễn” từ ngày 22/9/2009.
Nhưng làm sao có thể chôn giấu một niềm tự hào vĩ đại như Thể Công khi mà cái tên này vẫn thổn thức trong lồng ngực, trên bờ môi của ức vạn CĐV. Họ vẫn hô vang cái tên Thể Công bất cứ khi nào đội bóng có nguyên uỷ quân đội thi đấu, cho dù đang mang danh CLB Viettel. Cái tên Thể Công càng vang dội khi CLB Viettel vô địch V.League vào tối ngày 8/11/2020. Khắp nơi, từ trên khán đài, trên mạng xã hội, trên mặt báo chí, trong các hội nhóm CĐV cái tên Thể Công lại xuất hiện, cùng với ước nguyện rằng cái tên đó sẽ được hồi sinh một lần nữa.
Không phải các vị lãnh đạo quân đội không biết điều đó, không mong muốn điều đó nhưng đối với họ, Thể Công là niềm danh dự của anh bộ đội Cụ Hồ, là tài sản quý giá bậc nhất của quân đội, thế nên, phải được trao gửi vào một đội bóng đủ tâm, tài, trí, lực đủ sức tung hoành sân cỏ và làm vẻ vang thêm lá cờ đã thấm máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha anh.
Phải 3 năm sau khi chứng kiến CLB Viettel thi đấu trưởng thành, giàu bản lĩnh và vô địch V.League, đến ngày 21/11/2023, Bộ Quốc Phòng lại một lần nữa trao cái tên Thể Công – Viettel cho đội bóng quân đội. Thế là từ nay, một tượng đài đã trở lại sân cỏ bóng Việt Nam.