Năm 2013, Thái Lan từng có chiến thắng huỷ diệt trước Trung Quốc. Đó sẽ là nguồn động lực lớn cho ĐT Việt Nam để chúng ta thêm tự tin vào một kết quả ấn tượng khi chạm trán đội bóng ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Bóng đá Trung Quốc có thể không sánh bằng những quốc gia hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran song họ vẫn là ông lớn tại đấu trường lục địa. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa, đoàn quân tới từ quốc gia đông nhất thế giới là thách thức không thể vượt qua với những đội bóng yếu hơn.
Hoàng đế bóng đá Franz Beckenbauer từng khẳng định: “Trong bóng đá, kẻ mạnh không phải lúc nào cũng là kẻ chiến thắng. Kẻ chiến thắng mới chính là kẻ mạnh”. Quả thực, điều ấy hoàn toàn đúng đắn.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử đã qua, tuyển quốc gia Trung Quốc không ít lần phải ngậm đắng nuốt cay trước các đội bóng tới từ Đông Nam Á. Đó là khi họ thất bại trước Myanmar 1-2 vào năm 1963, là trận thua 1-2 trước Indonesia năm 1957 hay là lần gục ngã trước Malaysia năm 1980.
Trung Quốc thừa thua thảm Thái Lan 1-5 vào năm 2013
Tất nhiên, những chiến thắng ấy của các đội bóng Đông Nam Á đã từ quá xa và 2/3 kết quả ấn tượng nói trên đến từ các trận giao hữu nhưng phải thừa nhận rằng không phải lúc nào bóng đá Trung Quốc cũng áp đảo với các đại diện ở khu vực vẫn luôn bị coi là “vùng trũng của bóng đá”.
Và nếu những chiến thắng kể trên, người hâm mộ Trung Quốc vẫn có thể bao biện vì chỉ là chuyện từ xa xưa thì thất bại năm 2013 trước Thái Lan thực sự là nỗi đau, nỗi xấu hổ của nền bóng đá quốc gia này.
Đó cũng chỉ là một trận giao hữu song trận thua tới 1-5 trước đội bóng xứ chùa vàng thực sự là kết quả không thể chấp nhận. Sau thảm bại ấy, HLV trưởng Jose Antonio Camacho bị sa thải còn báo giới Trung Quốc gọi đó là “trận thua nhục nhã nhất lịch sử”.
Thực tế, đó không phải là lần đầu quốc gia đông dân nhất thế giới phải chịu một thất bại đau đớn đến như vây, khiến một HLV có tiếng của họ phải rời khỏi ghế nóng. Năm 2019, đội U22 nước này thất bại trước U22 Việt Nam được dẫn dắt bởi thầy Park. Kết quả, “Phù thuỷ” Guus Hiddink cũng phải rời khỏi vị trí mà mình đảm nhiệm ở Trung Quốc.
Họ cũng thua ê chề U22 Việt Nam vào năm 2019
Rõ ràng, dù là quốc gia có đội tuyển thường xuyên tham dự các giải đấu lớn tại châu Á song Trung Quốc không phải là thách thức thực sự khó khăn như Nhật Bản, Úc hay Iran. Sự ổn định là điều mà đội bóng không thể có được trong nhiều năm qua.
Hiện tại, đoàn quân của HLV Li Tie là tập thể với không ít cầu thủ nhập tịch. Tuy nhiên, thay vì cải thiện sức mạnh đội bóng, các gương mặt ấy lại tỏ ra lạc lõng vì không thể ăn khớp với lối chơi cùng nhiều đồng đội. Đó là lý do khiến Trung Quốc trình diễn lối đá thất vọng ở 2 trận vừa qua tại vòng loại 3 World Cup 2022.
Với tuyển Việt Nam, chúng ta sẽ bước vào màn so tài vào ngày 8/10 tới cùng tâm thế cửa dưới. Dù vậy, chẳng có lý do để thầy trò Park Hang Seo e ngại đối thủ. Chúng ta đã có những trận đấu quả cảm và khiến 2 đối thủ hàng đầu là Saudi Arabia cùng Úc phải “toát mồ hôi” mới có thể giành chiến thắng, bởi thế cho nên, trước một đội bóng mềm hơn nhiều là Trung Quốc, hy vọng có điểm, thậm chí là chiến thắng là điều hoàn toàn khả thi.
Năm 2013, trong bối cảnh mà Trung Quốc cũng trình diễn thứ bóng đá bất ổn, họ đã thảm bại trước Thái Lan – đội bóng hàng đầu khu vực Đông Nam Á để rồi Camacho bị sa thải. Giờ đây, đội tuyển quốc gia nước này cũng lâm vào cảnh tương tự.
Không loại trừ khả năng chúng ta sẽ tiếp tục “gieo sầu” cho đội bóng này vào ngày 8/10 tới
Họ cũng đang vô định trong phong cách chơi, HLV cũng đối diện nguy cơ bật bãi vì thành tích tệ hại của đội bóng và giờ là màn so tài với đội bóng số 1 Đông Nam Á hiện tại, Việt Nam.
So với Thái Lan cách đây gần một thập kỷ, những gì mà thầy trò Park Hang Seo làm được thậm chí còn ấn tượng hơn vì đã gây tiếng vang qua nhiều giải đấu như AFF Cup, Asian Cup hay vòng loại 2 World Cup. Vì thế, việc được tiếp thêm động lực từ các chiến thắng của đội bóng xứ chùa vàng hay nhiều đại diện Đông Nam Á khác trong quá khứ sẽ là “liều doping” tinh thần cực tốt để tuyển Việt Nam gieo sầu cho đối thủ.
Năm 2019, Tiến Linh cùng U22 Việt Nam đã khiến Hiddink phải rời ghế nóng sau trận thua ê chề, và vì thế, không loại trừ khả năng, 2 năm sau, cầu thủ đang khoác áo Bình Dương cùng với ĐT Việt Nam sẽ khiến Li Tie “mất việc” bởi một kết quả thất vọng khác với bóng đá Trung Quốc.