PV: Chào Tam. Mùa giải đầu tiên của anh với Roma đã diễn ra không thể tuyệt vời hơn. 27 pha lập công hẳn phải đem tới cho anh nhiều sự tự tin. Liệu điều đó có làm anh thay đổi góc nhìn về những tiêu chuẩn đã đặt ra không?
Abraham: Có cái gì đó trong tôi nói rằng tôi muốn làm được tốt hơn nữa. Tính tôi là thế, luôn hướng tới những mục tiêu cao hơn. Tôi nhìn vào Erling Haaland, người đang được nhắc tên nhiều nhất trong thế giới lúc này, và xem cậu ấy như một động lực ngầm. Tôi muốn đạt tới trình độ đó, chạm được những mục tiêu đó. Thành công của những cầu thủ khác chính là đồng lực đối với tôi.
Anh từ chỗ trận được trận mất ở Chelsea đã trở thành trụ cột ở Roma…
Nếu vài năm trước anh nói rằng tôi sẽ chơi bóng ở Italia thì đương nhiên là tôi không tin anh đâu. Rời Chelsea là quyết định rất khó khăn, vì đó là nơi tôi gắn bó từ khi mới 7 tuổi. Tôi vốn không hiểu nhiều về bóng đá Italia, nhưng chính nơi đây đã giúp tôi phát triển cả trên tư cách một cầu thủ lẫn con người. Tôi đã bước ra khỏi vùng an toàn và không có chút hối tiếc nào.
Ở Chelsea tôi được xem như một trung phong đơn thuần. Nhưng ở Roma, tôi được học hỏi thêm nhiều khía cạnh khác của bóng đá. Nếu đối phương cầm bóng tốt hơn, tôi sẽ biết chọn vị trí nào để phòng ngự. Tôi cũng phải sắc bén hơn khi dứt điểm, vì cơ hội không nhiều.
Chúng ta vẫn tự khen nhau Premier League là giải đấu số 1 thế giới. So với Serie A thì thế nào?
Cả hai giải đấu đều có những điểm mạnh mà giải kia không có. Bóng đá Italia đề cao yếu tố chiến thuật. Các đội bóng luôn cố gắng làm tất cả những gì có thể để ngăn đối phương ghi bàn. Đó là mối bận tâm chính của họ, cũng bởi vậy nên các tiền đạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Một trong những điều đầu tiên tôi học được là kiếm các quả đá phạt. Làm sao giữ được bóng khi đội đang cần chút thời gian để thở, rồi kiếm về những quả phạt mà ở Anh chúng ta hay gọi là từ các lỗi “rẻ tiền”. Tôi phải học từ những điều nhỏ nhặt như thế.
Tôi có gặp HLV của anh, Jose Mourinho, vài lần. Theo tôi thấy thì ông ấy ngoài đời khác với hình ảnh mà số đông nhìn thấy lắm. Anh thấy sao?
Ông ấy là một trong những HLV có khả năng quản lý con người giỏi nhất. Ông ấy biết phải nói chuyện với cầu thủ ra sao, cư xử với anh ta thế nào là tốt nhất. Trong trường hợp của tôi, ông ấy không bao giờ khen tôi chơi hay. Tôi chưa bao giờ nhận được những lời khen kiểu “làm tốt đấy” trong thời gian nghỉ giữa 2 hiệp, dù trong thâm tâm tôi biết ông ấy cũng nghĩ vậy. Thực ra là vì ông ấy muốn tôi nỗ lực hơn nữa.
Còn nhớ trước trận bán kết Conference League với Leicester mùa trước, ông ấy kéo tôi vào một căn phòng rồi nói: “Tam, tôi nghĩ cậu đá chưa đủ hay đâu”. Lúc ấy tôi thấy ngạc nhiên, bởi vừa mới trận trước tôi còn ghi bàn! Rồi tôi hỏi ý ông là gì, thì ông ấy nói vẫn chưa thấy được Tammy mà ông ấy muốn thấy, ví dụ như trong trận đấu với Lazio. Hành động đó khiến tôi phấn chấn hơn, và cuối cùng tôi chính là người ghi bàn thắng quyết định trong trận đấu.
Anh là một phần của thế hệ cầu thủ trẻ Anh chơi bóng ở nước ngoài. Fikayo Tomori và Jude Bellingham cũng đã được triệu tập vào ĐTQG. Trước đó Jadon Sancho tới Dortmund khi còn trẻ; Callum Hudson-Odoi, Harry Winks, Dele Alli cũng đều đang ở nước ngoài.
Người ta nói chung sợ thay đổi. Tất cả đều muốn được ở trong những nơi an toàn, nhưng đôi khi bạn sẽ thấy hối tiếc vì không dám thay đổi. Dù sau này xảy ra bất kỳ điều gì, tôi sẽ luôn nhìn lại và tự hào vì đã chơi bóng và sống ở Italia, từ đó trải nghiệm một cuộc sống khác.
Sancho là một tấm gương tuyệt vời. Thời điểm cậu ấy tới Dortmund, tôi đã tự hỏi “Tại sao?”. Nhưng cậu ấy đã thể hiện tuyệt vời, và mang tới cho những người còn lại niềm tin để làm điều tương tự. Jude Bellingham đã theo chân Sancho tới Dortmund, còn tôi và Tomori thì tới Italia. Và tất cả đều đang làm tốt. Tôi tin rằng Sancho đã giúp nhiều người được mở mắt.
Lần tập trung hồi tháng 6 của ĐT Anh không ổn lắm. Đội hòa hai trận và thua hai trận, trong đó có thất bại 0-4 ngay trên sân nhà. Điều đó có khiến hai trận đấu tiếp theo với Italia và Đức – những trận đấu quốc tế cuối cùng trước World Cup 2022 – trở nên quan trọng hơn hay không?
Chúng tôi đều cảm thấy không hài lòng. Nhưng là cầu thủ, chúng tôi luôn phải hướng về phía trước, vì phía trước luôn là một trận đấu khác. Tất nhiên là vì World Cup đã tới gần, nên tất cả mọi người đều muốn làm điều tốt nhất cho bản thân và đất nước.
Ở kỳ World Cup trước trên đất Nga, kỳ vọng vào ĐT Anh là rất thấp, nhưng đội đã thẳng tiến tới bán kết. Sau khi vào tới chung kết ở EURO 2020, tôi nghĩ kỳ vọng sẽ còn cao hơn ở World Cup 2022. Các cầu thủ sẽ đối phó với chuyện này ra sao?
Chúng tôi cần phải chặn trước tất cả những tạp âm, những thứ vớ vẩn có thể ảnh hưởng tới mình. Sẽ không dễ dàng, nhưng điều tốt nhất với cầu thủ bọn tôi là bước vào các trận đấu với tâm lý thoải mái. Anh chẳng thể chơi hay nếu chịu áp lực hay sợ hãi.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!