Nếu chỉ tính riêng tại Premier League 2022/23, Man City đã để cho đối thủ ghi bàn từ cú dứt điểm trúng đích đầu tiên tổng cộng 10 lần. Như vậy, tính ra chuyện này đã xảy ra ở 42% số trận của Man City tại giải Ngoại hạng Anh 2022/23.
Nên biết, số bàn thua kỳ vọng của Man City ở Premier League kể từ đầu mùa chỉ là 19,9 (tương đương 0,83 bàn mỗi trận), thấp nhất trong số những đại diện góp mặt ở sân chơi số 1 xứ sở sương mù. Tuy nhiên, thực tế là Man City lại để lọt lưới nhiều hơn cả Chelsea, Arsenal lẫn Newcastle. Qua đây có thể thấy, Man City đang nhận nhiều bàn thua hơn so với mong đợi.
Về cơ bản, những bàn thua của Man City đến từ nhiều cách khác nhau. Điểm chung ở đây là đa phần chúng đều là những bàn thua không đáng có. Chẳng thế mà trong cuộc họp báo sau trận Man City thắng ngược Tottenham 4-2, HLV Pep Guardiola từng phàn nàn: “Chúng tôi đã biếu không cho Tottenham những bàn thắng. Hôm nay Ederson và Rodri xứng đáng bị chỉ trích, nhưng lần tới người mắc lỗi có thể là hậu vệ biên hoặc trung vệ, cái này chính tôi cũng không dám chắc”.
Đúng như chia sẻ của HLV Guardiola, Man City có lẽ do quá chủ quan vì thường xuyên làm chủ được cuộc chơi nên họ mới hay trở tay không kịp khi đối phương lần đầu có cơ hội phản đòn. Vấn đề ở đây không phải là đối thủ của Man City xuất sắc, mà chính các cầu thủ của họ đã làm khó đội nhà bằng cách mắc sai lầm.
Đơn cử như ở trận Man City thắng Aston Villa 3-1 hôm 12/3, tiền vệ Bernardo Silva có pha mất bóng rất vô duyên tạo điều kiện cho Ollie Watkins thoát xuống đánh bại thủ thành Ederson. Trước đó, chính Ederson đã sắm vai “tội đồ” khi chuyền bóng cực khó cho Rodri, nhờ vậy Dejan Kulusevski mới có cơ hội thực hiện cú cứa lòng trong vòng cấm đưa Tottenham vượt lên dẫn trước.
2 tuần sau, đến lượt Rodri trở thành gã hề khi chuyền bóng thẳng vào chân Hojbjerg, cầu thủ lập tức kiến tạo cho Harry Kane ghi bàn thắng lịch sử giúp anh trở thành chân sút vĩ đại nhất của Tottenham. Với hàng thủ dễ mắc sai sót như thế, Man City đơn giản là thích “tặng quà” chứ đối phương cũng không cần phải quá xuất sắc để trừng phạt họ.
Điều đáng nói ở đây là khi rủi ro xuất hiện, Ederson đã tỏ ra khá tồi trong việc giải quyết vấn đề. Những con số không biết nói dối chỉ ra rằng, số lần anh phải vào lưới nhặt bóng mùa này cao hơn khoảng 4 đơn vị so với số bàn thua kỳ vọng. Với tỷ lệ cứu thua chỉ đạt mức 62,5%, Ederson đứng thứ 3 trong danh sách các thủ môn cản phá bóng kém nhất ở Premier League mùa này.
Bình luận vệ Ederson, chuyên gia phân tích thủ môn của tờ Atletic là Matt Pyzdrowski cho biết: “Ederson cần phải cải thiện khả năng cứu thua trong những tình huống 1 đấu 1. Tôi đã nhiều lần chứng kiến Ederson cố gắng lao ra tạo áp lực cho cầu thủ đội bạn, trong khi giải pháp hợp lý là hãy điềm tĩnh và kiên nhẫn hơn. Những chuyên gia 1 đấu 1 không bao giờ vội vã. Thay vào đó, họ rất biết cánh tính toán mọi việc”.
Để phân tích rõ hơn, Pyzdrowski đã dẫn chứng tình huống Ederson không chặn được cú đá của Kulusevski trong trận Man City thắng ngược Tottenham 4-2 như sau: “Ederson đã vội vã băng ra khép góc nhưng anh ta đâu cần phải làm như vậy. Khi áp sát Kulusevski, Ederson đã thu hẹp khoảng cách giữa mình và đối thủ. Điều đó dẫn tới việc thời gian để thủ môn kịp phản ứng khi đối phương dứt điểm cũng ít đi”.
“Ederson có giải pháp tốt hơn là cứ đứng nguyên ở sát vạch vôi cầu môn và chờ đợi. Nếu làm như vậy, cơ hội để cậu ấy ngăn Kulusevski ghi bàn sẽ sáng hơn. Tôi hiểu tại sao Ederson lại cố gắng băng ra. Có lẽ cậu ấy bị hoảng loạn vì đường chuyền bất cẩn cho Rodri và cố gắng sửa sai càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, chính điều đó khiến cho nguy cơ Man City để lọt lưới trở nên lớn hơn”, Pyzdrowski kết luận.
Qua chia sẻ trên, có thể thấy phong độ của Ederson, việc hàng thủ Man City thường xuyên mắc sai lầm và The Citizens quá chủ quan khi kiểm soát thế trận là nguyên nhân chính khiến họ hay phải nhận bàn thua từ cú dứt điểm đầu tiên của đối thủ.