Câu chuyện liên quan đến CVC và La Liga bắt đầu từ việc BTC La Liga muốn bán công ty của mình có tên La Liga Tech. Kế hoạch của họ xuất hiện trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát và mong muốn của BTC La Liga là thu về một khoản tiền kha khá sau khi bán 60% La Liga Tech (công ty này được định giá 450 triệu euro).
Kể từ lúc La Liga Tech được rao bán, đã có hơn 10 quỹ đầu tư quan tâm đến dự án. Rất nhiều cuộc đàm phán được tổ chức và CVC trở thành đơn vị được BTC La Liga đánh giá cao nhất. Như đã nói ở trên, hồi tháng Tám vừa rồi BTC La Liga đã đạt được thỏa thuận sơ bộ cho phép CVC “bơm” 2,7 tỷ euro các CLB chuyên nghiệp ở Tây Ban Nha.
Phần lớn số tiền tài trợ được dùng cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng và hoạt động kinh doanh của các đội bóng. Đổi lại, CVC sẽ nhận về 10% doanh thu từ bản quyền truyền hình La Liga trong vòng 50 năm. Theo tổng giám đốc điều hành La Liga là Oscar Mayo thì CVC là đơn vị giàu kinh nghiệm, có năng lực và tiềm năng hơn cả.
Nhờ có CVC, các CLB ở La Liga vừa có tiền nâng cấp cơ sở hạ tầng (chiếm 70% gói tài trợ), trả nợ (15%) và chiêu mộ cầu thủ mới (15%). Để đảm bảo tính minh bạch, CVC và BTC La Liga lập hẳn một công ty cổ phần chuyên kiểm soát các hoạt động tài chính của mỗi bên.
Tờ Athletic khẳng định, La Liga sẽ giữ 10% cổ phần công ty này, ngoài ra các đại diện của họ cũng chiếm 6/8 ghế trong hội đồng quản trị (chủ tịch La Liga – Javier Tebas cũng nằm trong số đó). Về cơ bản, đa phần các CLB ở Tây Ban Nha đều ủng hộ chuyện La Liga hợp tác với CVC. Vấn đề là 2 CLB danh tiếng nhất làng bóng đá xứ sở đấu bò là Barca và Real lại nằm trong số ít những đội đi ngược xu hướng chung.
Đại diện của Barca và Real cho rằng BTC La Liga nên cân nhắc kỹ, đồng thời phải quan sát xung quanh trước khi ra quyết định. Nên biết, trước đây BTC Serie A từng từ chối một đơn vị tài trợ có ý tưởng như CVC. Trong khi đó, BTC Bundesliga cũng có những cuộc thương thảo với các công ty cổ phần tư nhân nhưng các bên không đạt được sự đồng thuận.
Một tuần sau khi CVC đặt vấn đề với BTC La Liga, một cuộc bỏ phiếu bất thường đã được tiến hành với sự tham gia của 42 CLB thuộc 2 giải đấu cao nhất tại Tây Ban Nha. Kết quả là chỉ có 4 đội bóng nói “không” với CVC gồm Barca, Real, Bilbao và Real Oviedo.
Chia sẻ với phóng viên tờ Athletic, tổng giám đốc điều hành La Liga – Oscar Mayo khẳng định BTC La Liga đã tổ chức tới 120 cuộc họp với các CLB nhằm thuyết phục tất cả đồng lòng hợp tác với CVC. Các CLB rút cục đồng ý tổ chức cuộc bỏ phiếu lại vào ngày 10/12, nhưng kết quả cũng không khác trước là mấy. Ngay cả khi xuất hiện đội bóng duy nhất là Ibiza thay đổi ý tưởng ban đầu thì vẫn có 37/42 đội muốn đạt thỏa thuận với CVC.
Đáng chú ý, chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) Luis Rubiales đứng về phía Barca và Real khi ra mặt phản đối thương vụ CVC. Ông cho rằng thương vụ này vi phạm luật pháp Tây Ban Nha và cần phải dừng lại. Liên đoàn và các CLB “nổi dậy” thậm chí đã yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha dừng cuộc bỏ phiếu vào ngày 10 tháng 12. Đáng tiếc là hội đồng thể thao của chính phủ cho biết họ không có quyền can thiệp.
Thực tế, việc Real phản đối CVC là điều chẳng có gì bất ngờ với những ai quan tâm nhiều đến bóng đá Tây Ban Nha. Cần nhớ, Real đã xích mích với BTC La Liga kể từ khi Tebas nỗ lực bán bản quyền truyền hình giải đấu vào năm 2015. Họ thậm chí đã thực hiện hơn 50 hành động pháp lý chống lại đề xuất trên. Tất cả chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của CLB.
Theo quan điểm của một quan chức Real thì ông không thích việc BTC La Liga xem nhẹ vai trò của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha trong việc đưa ra những quyết định mang tính đột phá. Về cơ bản, phía Barca và Real cảm thấy mình không nhận đủ số tiền tương xứng cho những đóng góp to lớn. 2 CLB tin rằng mình đã bị Tebas lợi dụng và xem thường. Đây chính là gốc rễ dẫn tới mọi xung đột.
Không như phần lớn các CLB ở Tây Ban Nha, Real chẳng cần phải dựa vào nguồn lực của CVC khi bản thân họ đã là một thương hiệu khổng lồ nổi tiếng khắp toàn cầu. Họ sở hữu một SVĐ hiện đại, có kênh truyền hình riêng và đội cũ tiếp thị kỹ thuật số vô cùng hùng hậu.
Nói tóm lại, tầm cỡ và lợi ích của các CLB ở Tây Ban Nha quá khác nhau, trong đó Real và Barca vượt trội so với phần còn lại đã dẫn tới việc các bên không tìm được tiếng nói chung. Đây là lý do tại sao cách đây không lâu Barca và Real đã định tổ chức một giải đấu riêng có tên European Super League với sự tham gia của hàng loạt “ông lớn” trong làng bóng đá châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch của họ rút cục đã phá sản.