Sự trở lại của Super League 2.0
Các kế hoạch được công bố bởi công ty A22 có trụ sở tại Madrid đang thai nghén nên Super League 2.0. Giải đấu này sẽ bao gồm “từ 60 đến 80 đội bóng” được chia thành nhiều hạng đấu. Nó sẽ có một số cam kết đáng chú ý nhưng không có thành viên cố định và tối thiểu 14 trận cho mỗi câu lạc bộ, mỗi mùa. Vẫn chưa có sự rõ ràng về việc liệu sẽ có sự thăng hạng và xuống hạng giữa các hạng đấu hay liệu các đội lâu đời nhất có bao giờ bị loại hay không.
Dự án này đang được thúc đẩy bởi Real, Barca và Juventus. Họ tuyên bố rằng nó sẽ không giống phiên bản ban đầu đã sụp đổ một cách chóng vánh vào tháng 4/2021 với đề xuất 14 thành viên sáng lập thường trực và 5 suất mở rộng mỗi năm.
Cơ sở cho dự án mới được A22 tuyên bố là kết quả của các cuộc trò chuyện chi tiết với các câu lạc bộ trên khắp châu Âu về các vấn đề tài chính mà họ phải đối mặt. Yếu tố then chốt khiến A22 kêu gọi các CLB này là sức mạnh tài chính của Premier League khiến họ không thể cạnh tranh nổi. Các giám đốc điều hành của 20 câu lạc bộ Premier League đã bác bỏ kế hoạch này. Họ nói rằng đó là một nỗ lực nhằm khiến châu Âu chống lại bóng đá Anh.
John Hahn, nhà đầu tư người Mỹ đồng sáng lập A22 cho biết, ngoại trừ các trận đấu ở Anh, “bóng đá châu Âu đang ở trong tình trạng khá tồi tệ và ngày càng tồi tệ hơn”. Hahn đã từng hợp tác chặt chẽ với Florentino Perez, chủ tịch Real và là người được bổ nhiệm làm chủ tịch của giải đấu trong phiên bản đầu tiên cách đây 2 năm.
“Premier League đã trở thành Super League”
A22 đã vận động chống lại sự thống trị tài chính của Premier League trên thị trường chuyển nhượng trong những tháng gần đây như một phương tiện để tăng cường hỗ trợ cho các kế hoạch của mình. “Premier League đã trở thành Super League”, A22 tuyên bố. Họ nói rằng doanh thu hàng năm của 20 câu lạc bộ Ngoại hạng Anh là 7,1 tỷ euro, gấp 1,9 lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất của họ, La Liga của Tây Ban Nha với 3,7 tỷ euro.
ESL phiên bản đầu vào tháng 4/2021 bao gồm 6 CLB từ Premier League là MU, Man City, Liverpool, Chelsea, Arsenal và Tottenham. Tất cả những đội này hiện có khả năng phải đối mặt với hình phạt 30 điểm theo các quy tắc đã được thống nhất kể từ đó, nếu họ tham gia một giải đấu ly khai bên ngoài sự bảo trợ của UEFA.
Đã có ý kiến cho rằng ESL và A22 có thể tiến lên phía trước mà không có các câu lạc bộ Anh nhằm buộc họ tham gia một giải đấu mới. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đồng ý rằng thu nhập phát sóng từ một giải đấu châu Âu không có các câu lạc bộ Anh sẽ không đạt được mức đã được dự kiến cho ESL.
Không có phản hồi mới nào từ Premier League đối với những đề xuất mới nhất này, mặc dù người ta hiểu rằng họ thấy những thông báo mới nhất từ ESL và A22 có chút khác biệt so với những tuyên bố trước đó.
Hiệp hội người hâm mộ bóng đá (FSA), đại diện cho người hâm mộ ở Anh và Xứ Wales, đồng thời là đồng sáng lập tổ chức Hiệp hội người hâm mộ bóng đá của châu Âu, cho biết kế hoạch này không nhận được bất kỳ sự ủng hộ nào từ người hâm mộ lục địa già.
Kevin Miles, giám đốc điều hành của FSA cho biết trong một tuyên bố: “ESL là một xác sống biết đi đang cố trỗi dậy. Ý tưởng mới nhất của họ là tổ chức một ‘giải đấu mở’ khác với đề xuất ban đầu, điều đã dẫn đến sự phản đối dữ dội của người hâm mộ. Tất nhiên, một giải đấu mở dành cho các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đã tồn tại – nó được gọi là Champions League. Họ nói ‘đối thoại’ với người hâm mộ và các nhóm người hâm mộ độc lập là điều cần thiết nhưng nó vẫn bị khinh bỉ trên khắp châu Âu”.
Cơ quan đại diện cho 40 giải đấu trong nước của châu Âu trên 34 quốc gia và 1.092 câu lạc bộ – European Leagues – cho biết họ không được A22 hoặc ESL hỏi ý kiến. A22 đã có nhiều tuyên bố rằng dự án ESL mới của họ sẽ hỗ trợ các trận đấu trong nước và giải đấu dành cho nữ, cũng như bảo vệ sức khỏe của cầu thủ, thực thi các quy tắc bền vững tài chính và cải thiện trải nghiệm của người hâm mộ. Nhưng không có thông tin chi tiết chắc chắn về cách đạt được điều này hoặc thông tin chi tiết về bất kỳ nguồn hỗ trợ tài chính nào.
Real và Perez vẫn là “đầu tàu” của ESL
Kể từ khi ESL phiên bản đầu sụp đổ hai năm trước, một trong những đồng minh quan trọng, cựu chủ tịch Juventus Andrea Agnelli đã bị buộc phải từ chức sau cuộc điều tra của liên đoàn bóng đá Italia về quản lý tài chính yếu kém. Chính vì thế, chỉ còn Real và Florentino Perez là tích cực nhất trong việc đưa ESL trở lại.
Chủ tịch La Liga mỉa mai ESL
Chủ tịch La Liga, Javier Tebas, người có mâu thuẫn với Perez và cả chủ tịch Barca Joan Laporta đã phát động cuộc tấn công thẳng thắn nhất vào ESL. “Super League là một con sói, kẻ ngày nay cải trang thành bà ngoại để cố đánh lừa bóng đá châu Âu. Nhưng mũi và răng của nó lại quá lộ”, Tebas viết trên Twitter.