Son Heung-min vừa có mùa giải tốt nhất trong sự nghiệp với 23 bàn thắng, 9 kiến tạo sau 35 trận tại Premier League 2021/22. Tiền đạo của Tottenham trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên đoạt ngôi Vua phá lưới (đồng giải thưởng với Mohamed Salah – 23 bàn). Nhưng Son hơn hẳn tiền đạo Liverpool ở chỗ anh không cần một quả phạt đền nào, trong khi Salah có tới 5 bàn từ chấm 11 mét. So với Salah, Ronaldo hay Sadio Mane, tiền đạo người Hàn Quốc chỉ có bằng hoặc hơn chứ không thể kém xét từ thành tích chuyên môn.
Dù vậy, Son Heung-min vắng mặt hoàn toàn trong các cuộc bầu chọn của Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA). Hồi đầu tháng 6, PFA công bố danh sách đề cử giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng với 6 cái tên Kevin de Bruyne (Man City), Virgil van Dijk (Liverpool), Harry Kane (Tottenham), Sadio Mane (Liverpool), Mohamed Salah (Liverpool) và Cristiano Ronaldo (Manchester United). Mới nhất, PFA tiếp tục gạch tên Son khi công bố đội hình tiêu biểu mùa giải 2021/22 bao gồm 6 cầu thủ Liverpool, 3 của Man City, 1 người Chelsea (Antonio Ruediger) và 1 người M.U (Ronaldo). Giải thưởng cao quý Cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng cuối cùng thuộc về Salah. Còn Phil Foden lần thứ hai liên tiếp được bầu là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.
Lý giải thế nào về sự vắng mặt khó hiểu của Son trong các cuộc bầu chọn của người Anh? Rõ ràng cả về phong độ cá nhân lẫn tầm ảnh hưởng lên đội bóng, tiền đạo người Hàn Quốc (in dấu giầy vào 46% số bàn thắng của Tottenham – đội bóng lọt vào Top 4 Premier League 2021/22) đều không thua kém bất kỳ ai nếu không muốn nói là nổi bật nhất. Vậy tại sao phần lớn lá phiếu, đến từ các cầu thủ của 92 CLB chuyên nghiệp tại Anh, đều ngoảnh mặt với Son Heung-min?
Trước hết thử đi tìm câu trả lời từ cách thức bầu chọn, ở đây là khía cạnh thời gian. PFA thu thập lá phiếu từ các cầu thủ trong tháng 2 và 3 trước khi tổng hợp và chốt lại danh sách đề cử cho giải “Cầu thủ xuất sắc nhất” vào tháng 4. Có nghĩa phong độ bùng nổ của Son trong 2 tháng cuối mùa giải với 10 bàn thắng tại 9 vòng cuối cùng không được xét đến. Ngược lại Kane, người mờ nhạt hơn Son trong cả mùa giải, lại chơi thăng hoa vào tháng 2 và tháng 3 (7 bàn/6 trận). Nhìn sang Ronaldo thì tiền đạo của M.U, giống như Son, chỉ mắn bàn thắng trong 2 tháng cuối mùa giải. Nếu Son vắng mặt thì Ronaldo cũng không xứng đáng có tên trong danh sách đề cử 6 người.
Còn ở đội hình tiêu biểu, việc Vua phá lưới bị gạch tên không phải chuyện lạ. Mùa giải 2018/19, trong 3 cầu thủ đồng Vua phá lưới gồm Pierre-Emerick Aubameyang, Sadio Mane, Mohamed Salah thì duy nhất Mane lọt vào đội hình tiêu biểu của PFA. Mùa 2014/15 còn khó hiểu hơn, Sergio Aguero đoạt ngôi Vua phá lưới với thành tích vượt trội 26 bàn thắng (bỏ xa người đứng sau là Harry Kane với chỉ 21 bàn) cũng vắng mặt trong đội hình tiêu biểu.
Ngay cả một tên tuổi tầm cỡ như Aguero còn bị đối xử bất công chứ đừng nói tới một cầu thủ châu Á như Son Heung-min. Premier League đã phát triển vượt bậc trong những năm qua, giải đấu ngày càng được nâng tầm và hiện đại hóa về nhiều mặt song có những thứ về bản chất vĩnh viễn không thay đổi. Đó là định kiến về sắc tộc, thứ lớn hơn rất nhiều việc anh chơi bóng tài giỏi ra sao. Những lá phiếu từ 92 CLB Anh, phần lớn là của cầu thủ bản địa, vẫn xem Harry Kane là biểu tượng cho nền bóng đá xứ sương mù. Và chẳng ai bắt được họ bỏ phiếu cho một cầu thủ Hàn Quốc vốn chỉ được đánh giá cao ở sự cần cù.
Và suy cho cùng, những lá phiếu đều nặng cảm tính. Mùa 2020/21 Son Heung-min chỉ ghi được 17 bàn tại Premier League thì lại được PFA chọn vào đội hình tiêu biểu. Còn mùa này anh bùng nổ tột độ thì lại bị lãng quên. PFA đã tự hạ giá trị giải thưởng của mình bằng cuộc bầu chọn thiếu công tâm. Nhưng rõ ràng, đó không phải điều người Anh quan tâm.
Vất vả như Son
Theo báo cáo của FIFpro, Son Heung-min đã trải qua 300 giờ ngồi máy bay và 223.637 km đường hàng không trong 3 mùa giải gần đây, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác tại Premier League. Con số này gấp đôi đồng đội Harry Kane (123 giờ bay và 137.370km đường hàng không). Thống kê dựa trên tần suất bay đi bay về giữa châu Âu và châu Á của Son mỗi khi phải phục vụ ĐT Hàn Quốc.
Nếu như 46,9% số cầu thủ Premier League trải qua chênh lệch giữa hai múi giờ thì Son đã 204 lần vượt qua chênh lệch múi giờ. Theo nghiên cứu của FIFpro, giới hạn tối đa số trận để một cầu thủ không bị kiệt sức là 55 trận mỗi mùa ở cả CLB lẫn ĐT. Nhưng riêng Son đã chơi trung bình 57 trận/mùa trong suốt ba mùa bóng từ 2018 tới 2021.
24. Son Heung-min đã ghi 24 bàn thắng trên mọi mặt trận mùa này, cao nhất trong sự nghiệp của tiền đạo người Hàn Quốc, vượt qua kỷ lục cũ vừa được anh lập ở mùa 2020/21 với 22 pha lập công.