Quả pháo sáng xuất hiện ở phút 67 trong khu vực khán đài có các CĐV Hải Phòng. Không loại trừ khả năng, BTC sân Vinh sẽ bị phạt khi để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng. Như đã nói ở trên, trước trận, BTC sân Vinh đã lên mọi phương án nhằm bảo đảm an ninh, đặc biệt là ngăn chặn mối hiểm họa từ pháo sáng. Rốt cuộc, nỗ lực của hàng trăm con người bất thành. Pháo sáng vẫn được đốt và người ta lại đặt ra những câu hỏi đại loại như: Làm sao “con voi chui qua lỗ kim”? Ai tiếp tay cho kẻ xấu?…
Câu trả lời chỉ có khi Ban Kỷ luật VFF ra văn bản. Còn trước mắt, người ta cảm thấy ở đây có sự thách thức của những “nhân vật” đốt pháo sáng và cả những người tiếp tay. Bóng đá Việt Nam đã có những nỗi đau và đó là những bài học vẫn còn nguyên tính lịch sử từ bi kịch pháo sáng. BTC đã vận động, tuyên truyền và cả việc đưa ra chế tài nhằm “xoá sổ” pháo sáng. Tiếc thay, một số CĐV “đội lốt” người hâm mộ vẫn mang trong đầu tư tưởng phá hoại bóng đá.
Chúng tôi còn nhớ, trước mỗi trận đấu trên sân Lạch Tray, các cầu thủ Hải Phòng thường cầm băng rôn kêu gọi CĐV đội nhà đừng đốt pháo sáng. Họ cố gắng kêu gọi từ những điều nhỏ nhất. Nhưng câu chuyện ở đây nằm ở ý thức của từng người, từng nhóm người chứ không phải ở chiếc băng rôn, hay BTC dùng “thiên la điạ võng” để ngăn chặn pháo sáng. Nếu muốn phá hoại bóng đá, bằng cách này hay cách kia, những kẻ xấu vẫn tuồn được pháo sáng vào sân. Bất kỳ sân vận động nào cũng có thể gặp phải những tình huống như vậy chứ không riêng gì sân Vinh…
BTC trận đấu giữa SLNA và Hải Phòng có thể liên đới, có thể bị phạt. Thế nhưng, nếu tác giả của những quả pháo sáng kia là CĐV Hải Phòng, chắn chắn những con người này không thể đứng ngoài cuộc và cười khẩy cho cái vở kịch “quýt làm cam chịu” đầy thách thức.