Có lẽ không cần nhắc lại chi tiết về câu chuyện bi thảm diễn ra ngày 6/2/1958. Và cũng là thừa nếu nhắc lại cái cách M.U đã đứng lên từ đống tro tàn để rồi trở thành một trong những đế chế hùng mạnh nhất của thế giới bóng đá. Những điều đó đã được ghi trong sử sách. Nhưng có một điều mà bạn sẽ không tìm thấy được ở đâu ngoài chính những người đã sống sót trong tấn thảm kịch. Họ đã trở về từ cõi chết, trực tiếp chứng kiến những người đồng đội vừa mới đây còn đùa giỡn cùng mình bỗng hóa thành cát bụi.
Những người còn lại của M.U sau thảm họa Munich đeo mang cả đời một nỗi đau khủng khiếp, tàn phá tâm hồn của họ đến mức không thể phục hồi. Sir Bobby Charlton, một trong những người sống sót và sau này trở thành hạt nhân trong sự hồi sinh thần kỳ của M.U, và hôm qua, chứng nhân ấy cũng đã đi ở tuổi 86. Một nhà báo miêu tả lại hình ảnh của huyền thoại nước Anh trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thảm họa Munich: “Ông ấy vươn tay ra lấy cốc nước trên bàn, nhưng có gì đó ngăn ông ấy lại, bàn tay Sir Bobby cứng đờ rồi run rẩy. Dường như ông ấy sợ rằng nếu chạm tay vào cốc nước ấy, mọi thứ sẽ ùa về!”.
Mọi thứ trong buổi chiều định mệnh ấy: những âm thanh, hình ảnh, cảm xúc. Sir Bobby Charlton không bao giờ quên, hay nói đúng hơn là ông không thể quên. Jack Charlton, anh trai ông và cũng là một huyền thoại của bóng đá Anh, kể lại: “Bobby đánh mất nụ cười kể từ sau khi thảm họa diễn ra”. Ngay cả khi vô địch thế giới cùng ĐT Anh năm 1966 hay đăng quang tại Cúp C1 năm 1968, người ta vẫn thấy nỗi buồn đeo đẳng trong đôi mắt ông. Sir Bobby Charlton chưa bao giờ có niềm vui trọn vẹn, kể từ ngày 6/2/1958.
Thật khó khăn để sống trong một nỗi ám ảnh luôn đè nặng trong lồng ngực như vậy. Ông kể lại những gì diễn ra 1 ngày sau thảm họa: “Tôi nằm trên giường của mình tại bệnh viện Rechts der Isar, nghe ai đó đọc tên những người chết. Tên những người bạn của tôi. Chúng tôi thường cùng nhau đi khiêu vũ mỗi cuối tuần và tụ tập ở nhà một ai đó dịp Giáng sinh. Tên từng người một vang lên khô khốc!”. Tommy Taylor. David Pegg. Eddie Colman. Billy Whelan. Geoff Bent. Roger Byrne. Mark Jones. Mỗi cái tên là một nhát dao cắt sâu vào trái tim Bobby Charlton, để lại những vết thương không bao giờ lành.
Những người sống sót còn lại cũng thế. Harry Gregg, người hùng trong thảm họa Munich khi cố gắng kéo rất nhiều đồng đội ra khỏi chiếc máy bay gặp tai nạn, phủ kín những bức tường trong ngôi nhà của mình tại Belfast bằng các tấm hình của “Busby Babes”. Albert Scanlon, người bị rạn xương sọ và gãy chân sau tai nạn, nói rằng ông chưa bao giờ thoát khỏi cái vực sâu mà ông đã rơi xuống trong ngày định mệnh. Scanlon qua đời năm 2009 ở tuổi 74.
Năm kỷ niệm 60 năm thảm hoạ Munich (2018), chỉ còn có 2 người trong đội hình M.U lúc đó còn sống. Đó là Sir Bobby Charlton (sinh năm 1937) và Harry Gregg (1932). Giữa lễ kỷ niệm 50 năm và 60 năm, 3 người đồng đội của họ đã ra đi, đó là Albert Scalon (mất năm 2009), Kenny Morgan (mất năm 2012) và Bill Foulkes (mất năm 2013). Đến giờ, tất cả đều đã ra đi, nhưng có một điều chắc chắn rằng thảm họa Munich sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Nó là một chương bi hùng trong lịch sử M.U, bi thảm và kiêu hùng, mà mọi cầu thủ MU đều phải nhớ đến. Năm 2008, trước lễ kỷ niệm 50 năm, Sir Bobby Charlton đã yêu cầu Sir Alex Ferguson gặp riêng các cầu thủ. Ông nói chuyện với họ 1 tiếng đồng hồ và tặng mỗi người một DVD về “Busby Babes”. Các cầu thủ M.U khi đó đã thực sự bị chấn động. Họ lặng người khi chứng kiến tài năng của các vị tiền bối đoản mệnh.
Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Michael Carrick, Nani, Anderson, Park Ji Sung, Patrice Evra… kể lại rằng buổi nói chuyện với Sir Bobby Charlton đã “tác động sâu sắc” đến họ, một nguồn động lực truyền vào tâm trí cầu thủ phần nào đó đã giúp đội hình M.U vô địch cả Premier League và Champions League mùa 2007/08. Không, sẽ không có ai quên “Busby Babes” và thảm họa Munich cả. Cũng như sẽ không có ai quên Sir Bobby Charlton, chứng nhân cuối cùng của thảm hoạ Munich 1958.