Siêu Cúp Tây Ban Nha được khai sinh vào năm 1982. Ban đầu, giải đấu thường niên này được tổ chức trong tháng 8 và được xem như là “pháo lệnh” cho mùa giải mới. Đó là trận tranh tài giữa đội đương kim vô địch La Liga với đội bóng đang giữ Cúp Nhà Vua. Thể thức lúc đó thường là thi đấu sân nhà sân khách, lượt đi và lượt về để xác định ra đội giành cúp.
Nhưng từ năm 2020, RFEF nhận thấy rằng, Siêu Cúp Tây Ban Nha với quy mô và thể thức như vậy là thiếu sức hút. Họ quyết định cải tổ để hút khán giả và quan trọng hơn cả là để làm… kinh tế. Từ đó trở đi, giải tăng quân số lên thành 4 đội với hy vọng qua đó sẽ tăng tính cạnh tranh.
Theo thể thức mới, Siêu Cúp Tây Ban Nha vẫn diễn ra thường niên với 4 đội tham dự. Đó là đội đương kim vô địch và á quân La Liga cùng 2 đội lọt vào trận chung kết Cúp Nhà Vua ở mùa giải ngay trước đó. Trong trường hợp có sự trùng hợp, ví dụ như 1 đội vừa vô địch La Liga vừa giành Cúp Nhà Vua, suất còn lại sẽ được dành cho đội xếp thứ 3, thậm chí đội xếp thứ 4 ở La Liga mùa trước.
Với cách phân phối cho “đủ mâm” như vậy, Siêu Cúp Tây Ban Nha năm nay là màn tranh tài giữa Real Madrid (vô địch La Liga) với Real Betis (vô địch Cúp Nhà Vua) cùng Barca (á quân La Liga mùa trước) và Valencia – bại tướng của Betis ở chung kết Cúp Nhà Vua mùa giải 2021/22. Đáng chú ý, trong số này, ngoại trừ Valencia, 3 đội bóng còn lại đều đang nằm trong Top 4 ở La Liga mùa 2022/23.
Tuy chỉ có 4 đội bóng tham dự và bắt đầu là vòng bán kết, nhưng Siêu Cúp Tây Ban Nha có thủ tục bốc thăm khá phức tạp. Thông thường, người ta tránh để đội đương kim vô địch La Liga với đội đương kim vô địch Cúp Nhà Vua đụng nhau ở vòng bán kết. Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Do trận El Clasico luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, nên RFEF thường xuyên tìm cách “lách” để sao cho trận chung kết trong mơ của Siêu Cúp Tây Ban Nha luôn là màn chạm trán kinh điển giữa 2 “gã khổng lồ” Barca và Real Madrid.
Những gì đang diễn ra ở giải đấu năm nay là điển hình cho sự thiên vị cho El Clasico. Do Real Madrid là đội vô địch và Barca là á quân La Liga mùa 2022/23, nên họ hoàn toàn có thể đụng nhau ở vòng bán kết. Nhưng RFEF đã có sự sắp xếp khéo léo, để 2 đội bóng giàu truyền thống nhất của xứ sở bò tót có thể đụng nhau ở trận chiến cuối cùng (trong trường hợp Barca vượt qua Betis, còn Real Madrid khuất phục được Valencia). Có như vậy, ban tổ chức mới hy vọng sẽ có nhiều khán giả vào sân xem trực tiếp.
Có một chi tiết thú vị, đó là Siêu Cúp Tây Ban Nha sẽ diễn ra ở Saudi Arabia. Hẳn nhiều người sẽ thắc mắc tại sao đang trong lúc căng thẳng giữa mùa giải, RFEF lại bắt các đội bóng phải rồng rắn kéo nhau sang châu Á xa xôi để tranh tài. Câu trả lời nằm ở vấn đề tiền bạc. Do mục đích cải tổ để kiếm thêm thu nhập, RFEF đã thương mại hóa Siêu Cúp Tây Ban Nha. Sau khi thử nghiệm tổ chức thành công ở nước ngoài trận tranh cúp giữa Barca với Sevilla năm 2018 ở Morocco (Barca thắng 2-1), RFEF hoàn toàn yên tâm “bứng” hẳn Siêu Cúp Tây Ban Nha ra khỏi xứ sở bò tót.
Sở dĩ Siêu Cúp Tây Ban Nha diễn ra ở Saudi Arabia bởi RFEF đã ký hợp đồng với quốc gia châu Á này. Cụ thể, họ nhận 4 triệu euro mỗi mùa giải để mang Siêu Cúp Tây Ban Nha đến Saudi Arabia. Thời hạn hợp đồng là 6 năm. Tuy nhiên, cách đây không lâu, RFEF đã gia hạn với Saudi Arabia để tiếp tục tổ chức giải đấu này ở châu Á đến năm 2029. Được biết, cựu trung vệ Gerard Pique, thông qua công ty Kosmos của anh, chính là người đã môi giới để Siêu Cúp Tây Ban Nha diễn ra ở Saudi Arabia.
Ở mùa bóng 2020/21, do bùng phát của dịch Covid-19, Siêu Cúp Tây Ban Nha vẫn diễn ra ở xứ sở bò tót thay vì được tổ chức ở Saudi Arabia, với Bilbao là đội giành cúp sau khi thắng Barca 3-2 trong hiệp phụ. Từ mùa giải 2021/22, giải đấu tiếp tục được khởi tranh ở thành phố Riyadh của Saudi Arabia.
Chủ tịch RFEF từng liêu xiêu vì Siêu Cúp
Tháng 10 năm ngoái, xuất hiện nhiều đoạn ghi âm và tin nhắn các cuộc nói chuyện giữa chủ tịch Luis Rubiales của RFEF với trung vệ Pique – đại diện cho công ty Kosmos. Trong đó, có những cuộc trao đổi “nhạy cảm” về ăn chia hoa hồng cho vụ đưa Siêu Cúp Tây Ban Nha đến Saudi Arabia (Kosmos môi giới cho RFEF làm việc với Saudi Arabia). Vì scandal này, ông Rubiales phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích và chiếc ghế chủ tịch RFEF từng bị lung lay dữ dội.