Cảng Sài Gòn là một trong những CLB giàu thành tích bậc nhất của bóng đá Việt Nam với 5 lần vô địch quốc gia. Người xưa kể, Cảng đẹp lắm và huyền diệu lắm. Cái đẹp khiến cho biết bao người ngả nghiêng thổn thức vì yêu. Và rồi sau 33 năm, biểu tượng ấy đã bị “khai tử” để nhường chỗ cho phiên hiệu mới Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn, rồi sau đó là TP.HCM. Trải qua những thăng trầm, Cảng Sài Gòn chỉ còn là những ký ức.
Cho nên đến nay, hẳn nhiều người vẫn chưa quên Navibank Sài Gòn, vốn được “sang tên” từ Quân khu 4. Cũng chỉ được vài năm, đội bóng này bị “khai tử” trong sự hững hờ của các ông chủ và cầu thủ. Nhắc đến chuyện “khai tử”, chẳng thể không nói đến Sài Gòn Xuân Thành hay Sài Gòn FC, một cái tên được “nhập khẩu” đến từ Hà Tĩnh. Chỉ tồn tại được 3 năm, đội bóng của ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ tuyên bố giải thể trong sự ngao ngán của nhiều người.
Hai chữ “khai tử” nghe thật nặng nề bởi đấy là khi một đội bóng bị rút… ống thở. Người hâm mộ bóng đá TP.HCM đã sống quen và đôi khi trở thành vô cảm khi nhận được cái thông báo đội A hay B bị “khai tử”. Đúng, để một đội bóng tồn tại, người ta phải xây dựng cả trăm năm, mấy chục năm, cả thập kỷ… và mất rất nhiều tiền bạc, thậm chí cả máu và nước mắt. Thế nhưng, để “khai tử” một cái tên lại giống như một cái lật bàn tay.
Sài Gòn FC có cái kịch bản na ná như Navibank Sài Gòn hay Sài Gòn Xuân Thành vì đều được “sang tên, chuyển hộ khẩu”. Họ cũng sống trong những phút giây hoàng kim rồi phải đối diện với tương lai tăm tối. Đã có những thông tin, Sài Gòn FC sẽ giải thể khi xuống hạng.
Dù sao cũng phải đợi quyết định cuối cùng của những người liên quan. Nếu kịch bản “khai tử” lại xuất hiện chúng ta sẽ phải chấp nhận sự đớn đau đó. Rồi một mai mọi thứ sẽ rơi vào lãng quên, rồi cầu thủ sẽ có một cuộc sống mới. Nếu còn cái gì đó, chỉ là sự tổn thương để lại cho những người trót yêu cái tên Sài Gòn.