Hiếm có người mang trong mình tố chất bẩm sinh của một cầu thủ bóng đá, và Ronaldo cũng không phải ngoại lệ. Năm 18 tuổi, anh đến MU khi mới chỉ là một cầu thủ trẻ thi đấu bên hành lang cánh, thích biểu diễn kỹ thuật cá nhân chứ không phải sát thủ vòng cấm như hiện tại. Ronaldo đã làm gì để thay đổi bản thân như bây giờ?
Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh 2021/2022
Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Người thầy tận tâm
Ở vòng loại World Cup sắp tới, đội tuyển Australia chuẩn bị mang tới sân Mỹ Đình một gương mặt vô cùng quen thuộc với khán giả Việt Nam. Ông không phải cầu thủ, không phải HLV trưởng, nhưng lại nổi tiếng hơn bất kỳ ai trong số họ. Đó là trợ lý Rene Meulensteen, cựu HLV đội một MU dưới thời Sir Alex Ferguson.
Meulensteen cũng chính là thầy của Ronaldo, là người hướng dẫn cho anh những bước đầu tiên trên con đường trở thành cây săn bàn đáng sợ như hiện nay. Hầu hết các trợ lý thường tỏ ra dè dặt trong việc chỉ bảo các cầu thủ ngôi sao, nhưng Meulensteen lại tự tin làm điều đó hơn bất cứ ai. Sự tận tâm đó đã giúp Ronaldo sớm trưởng thành.
“Điểm khác biệt của những cầu thủ hàng đầu là họ nhận ra mình cần phải làm điều gì để cải thiện bản thân”, Meulensteen hồi tưởng về những ngày tập luyện cùng Ronaldo. Ông thường đến bên cậu học trò trẻ tuổi và nói: “Này, chúng ta có thêm vài điều hay giúp cậu thi đấu tốt hơn trên sân đấy”. Thế là Ronaldo nghe lời và làm theo.
Meulensteen bắt đầu dạy Ronaldo trở thành tiền đạo từ đầu mùa giải 2007/08. Đó là lúc CR7 bị treo giò vài trận đầu mùa vì tấm thẻ đỏ trong trận gặp Portsmouth. Thay vì buồn chán và thất vọng, Ronaldo nhận thấy đây là cơ hội tốt để anh học hỏi những điều mới mẻ. Cứ sau mỗi buổi tập cùng toàn đội, Ronaldo lại tập riêng với Meulensteen.
Rất nhiều hôm, chỉ có mình Ronaldo và Portsmouth trên sân tập của MU. Không có ai quan sát, theo dõi họ cả. Những ngày thầm lặng đó chính là thời điểm Ronaldo tập dứt điểm một cách chính xác nhất hoàn hảo nhất. CR7 không muốn mọi người chỉ biết đến anh như một cầu thủ thích vẽ vời nữa. Anh khát khao trở thành một cây săn bàn thực thụ.
Nỗi ám ảnh hoàn hảo
Trong mắt Meulensteen, Ronaldo là người không bao giờ hài lòng với những gì mình đã làm được. Lúc nào anh cũng nghĩ trong đầu về những việc đã xảy ra, rồi tự hỏi liệu bản thân có thể làm tốt hơn hay không. Lý tưởng của Ronaldo luôn là một bàn thắng hoàn hảo: Sút thẳng vào góc trên khung thành từ cự ly 25 mét.
Nhưng Meulensteen ngày ấy đã cho anh thêm một gợi ý về cách nâng cao thành tích cá nhân. “Cậu có thể ghi nhiều bàn hơn nhờ dứt điểm đa dạng ở mọi vị trí. Hãy nhìn những cầu thủ MU ghi bàn như thế nào. Law, Van Nistelrooy, Cole, Yorke, Solskjaer đều là những tiền đạo đa dạng như thế”, ông khuyên Ronaldo.
CR7 học theo rất nhanh với bài tập độc nhất vô nhị Meulensteen dành riêng cho anh: “Ngắm bắn” trước khi dứt điểm. Ở thời buổi số liệu thống kê và phân tích vẫn còn hạn chế, cựu trợ lý của Sir Alex đã nhận ra những người đặt mục tiêu rõ ràng để hướng đến luôn thành công hơn những người sống không có mục tiêu. Cuộc sống vốn như thế, và bóng đá cũng vậy.
Ở những buổi tập 1:1 đó với Ronaldo, Meulensteen sẽ đặt ra các bảng màu trước khung thành và yêu cầu anh sút đúng vào chỗ đó. Mọi thứ được thực hiện lặp đi lặp lại ở nhiều tư thế sút, nhiều góc độ khác nhau cho đến khi CR7 thuần thục. Sút chân trái, chân phải, đánh đầu, lốp bóng, đá bóng sống… mọi thứ đều được Ronaldo thực hiện mà không hề bỏ qua dù chỉ một động tác.
Với những bài tập khổ luyện như vậy, Meulensteen cũng không quên đặt ra chỉ tiêu cho Ronaldo ở mùa giải ấy: 40 bàn thắng. “Không đời nào, mùa trước em chỉ ghi được 23 bàn thôi, sao có thể ghi gần gấp đôi được”, Ronaldo đáp. Nhưng Meulensteen vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình và thách thức cậu học trò phá vỡ giới hạn. Cuối cùng, năm đó Ronaldo ghi 42 bàn ở mọi đấu trường.