“Tôi không ngại thất bại, nhưng thua kiểu đó thì thật khó chấp nhận”, một nhân vật quan trọng của Barcalone nói sau khi Thomas Mueller đưa Bayern Munich dẫn trước 1-0 tại Nou Camp, điểm khởi đầu của chuỗi ngày xám xịt với chiến lược gia người Hà Lan.
Cú sút từ cự ly 25 mét của Mueller có phần may mắn khi bóng chạm người hậu vệ Eric Garcia và đổi hướng khiến Marc Andre ter Stegen bất lực, nhưng đó là thành quả xứng đáng bởi Bayern đã kiểm soát hoàn toàn trận đấu trong khi đội bóng của Ronald Koeman đã bị dồn ép liên tục và phòng ngự thụ động.
Barcelona đã bắt đầu trận đấu với sự dũng cảm, thể hiện rằng họ không sợ hãi cùng niềm tin vào một cuộc chiến sòng phẳng với Bayern. Tuy nhiên, lối chơi phòng ngự của Koeman như một sự thừa nhận rằng ông lo sợ về một kết cục tồi tệ có thể xảy ra.
Và niềm tin trên sân cỏ cũng như trên khán đài vào việc Barca có thể đánh bại Bayern đã sớm lụi tàn khi HLV của họ là người run rẩy đầu tiên. Cú đúp trong hiệp hai của Robert Lewandowski đã đem về chiến thắng thuyết phục cho Bayern Munich và nếu các chân sút áo trắng tận dụng tốt hơn hàng tá cơ hội được tạo ra, tỉ số đã không chỉ dừng lại ở 3-0.
Thất bại đó không mang tính lịch sử như trận thua bẽ bàng 8-2 tại tứ kết Champions League cách đây 13 tháng, nhưng vẫn là một vết nhơ của Barca. Họ không có cú sút nào trúng đích trong suốt 90 phút và năng lực lựa chọn đội hình, chiến thuật của Koeman khiến các cule đặt cầu hỏi rằng liệu ông ta có phải là người thích hợp dẫn dắt Barca trong thời điểm này.
Trong thời gian gần đây, những căng thẳng ngày càng gia tăng trong mối quan hệ giữa Koeman và chủ tịch Joan Laporta. Cuối tuần trước nữa, Koeman đã trả lời phỏng vấn một tờ báo Hà Lan và nói rằng ông không hài lòng với một số điều mà Laporta đã nói về ông trước công chúng. Ông kiêu hãnh: “Nhờ tôi mà CLB này có tương lai”.
Phát biểu này của Koeman không được đón nhận bởi những người có ảnh hưởng với Barcelona, bao gồm các cựu cầu thủ, người đại diện, nhà báo, cựu giám đốc và các đơn vị có liên quan khác, trong đó Laporta đương nhiên là người có quyền uy lớn nhất.
Hai nhân vật nổi tiếng mà ai cũng biết là thân cận với ngài chủ tịch đã ngay lập tức đả kích Koeman trên Twitter. Một người nói rằng “tương lai của CLB được tạo dựng nhờ ngài chủ tịch”; còn người kia gay gắt hơn: “Koeman đã nổi loạn” và điều đó là “trái với logic khi ông ta vẫn đang làm việc tại đây”.
Tất cả cules đều biết Laporta muốn Barca chơi với sơ đồ 4-3-3 theo triết lý của Johan Cruyff và được tiếp nối bởi Pep Guardiola – hai HLV khổng lồ trong nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên của ông năm 2003-2010. Nhưng Koeman lại không đồng ý như thế.
Koeman muốn Barca chơi thực dụng hơn bởi những hạn chế trong chất lượng đội hình hiện tại – đó là lý do ông sử dụng sơ đồ 3 trung vệ trong trận gặp Bayern cũng như thúc giục BLĐ ký hợp đồng với một số 9 truyền thống là Luuk De Jong vào mùa Hè này. Cuối tuần trước, ông còn sử dụng lối chơi không chiến với sự tham gia của Pique trên hàng công.
“Tôi là người yêu thích triết lý của Cruyff nhưng cũng tôn thờ chủ nghĩa thực tế. Tôi là một hậu vệ, Johan là một cầu thủ tấn công”, trích từ cuộc phỏng vấn mới nhất của Koeman.
Diễn biến của câu chuyện tiếp tục được công khai khi Laporta băng qua đường sau bữa ăn trước trận đấu với các giám đốc của Bayern vào chiều thứ Ba tuần trước để nói chuyện với các phóng viên tập trung bên ngoài nhà hàng. Khi được hỏi trực tiếp rằng liệu chiếc ghế của Koeman có bị lung lay không nếu Barca bại trận, Laporta chỉ đáp bằng một từ “Không”.
Những cơn sóng ngầm vẫn diễn ra ở Nou Camp. Ở thời điểm hiệp hai trận đấu, một cuộc tranh luận về bản chất của Barcelona với tư cách là một câu lạc bộ và tương lại của họ đã diễn ra ngay trong sân vận động.
Một trong những điểm sáng hiếm hoi ở trận đấu đó xuất hiện khi các cầu thủ mới 17 tuổi là Alejandre Balde và Galvi được vào sân từ băng ghế dự bị và thể hiện tinh thần thi đấu đáng khen ngợi. Nhưng những sự phẫn nộ đã bùng phát khi Sergi Roberto bị rút khỏi sân sau gần một giờ có mặt trên sân.
Những tiếng huýt sáo và la ó vang trên khán đài, và thật khó để biết các cules đang tức giận với những ai, nhưng có thể thấy những bất mãn đối với CLB đang ngày một lớn dần. Ở chiều ngược lại, những ngôi sao Nam Mỹ làm nên tên tuổi của Barcelona đã ra đi – đáng chú ý nhất là Lionel Messi và Luis Suarez.
Giờ đây, tất cả vẫn dồn mọi ánh mắt vào Koeman. Ai cũng biết rằng Koeman đã công khai suy nghĩ của bản thân về tương lai của ông với Barcelona sau mùa giải năm ngoái, nhưng CLB không thể tìm được ai thay thế. Việc Koeman vẫn tại vị là do tình hình tài chính khó khăn khiến Barca khó khăn trong việc thanh lý hợp đồng với Koeman và trả lương cho người kế nhiệm.
Một trận thua không thể chấp nhận được trước Bayern tại Champions League và 2 trận hoà liên tiếp trước những đội bóng làng nhàng ở La Liga đã làm bầu không khí tại Catalan thêm phần u ám và khiến cuộc tranh cãi xoay quanh tương lai của Koeman ngày một căng thẳng.
Liệu Koeman có phải là người sẽ dẫn dắt đội bóng vượt qua khó khăn hay ông chỉ là một vật tế thần đáng thương trong mớ rối ren không thể giải quyết của CLB từng khiến cả thế giới phải khiếp sợ.