Bảng xếp hạng Ngoại hạng Anh 2021/2022
Lịch trực tiếp Ngoại hạng Anh mới nhất
Dĩ nhiên, mọi giá trị hay đặc điểm chuyên môn đã được đề cập của Ralf Rangnick đều chỉ là trên lý thuyết. Ca ngợi đến đâu đi nữa, thì thực tế rành rành vẫn là Rangnick xưa nay chưa có nhiều thành tích ở bóng đá đỉnh cao. Thành tích khá nhất của ông chỉ là một chiếc Cúp Quốc gia Đức (mùa bóng 2010/11, khi ông chỉ dẫn dắt Schalke trong 2 tháng cuối cùng). Hàng trăm danh hiệu ở Cúp Quốc gia, giải VĐQG, các cúp châu Âu đã được phân phát cho… các đồng nghiệp của Rangnick trong khoảng 20 năm ông huấn luyện bóng đá đỉnh cao!
Nhưng tất nhiên, các HLV nổi tiếng như Juergen Klopp hoặc Thomas Tuchel hâm mộ triết lý bóng đá của ông. Họ chịu ảnh hưởng ở một mức độ nào đó, và họ đều thành công rực rỡ. Vậy nên, cũng không dám nói Rangnick “hữu danh vô thực”. Có một trường hợp tương tự là Marcelo Bielsa. Ông này cũng được ca ngợi như thánh, dù chẳng có danh hiệu vô địch nào trong suốt sự nghiệp huấn luyện ở châu Âu. Vì Rangnick, cũng như Bielsa, chưa bao giờ được dẫn dắt một đội bóng lớn?
Vâng, chưa bao giờ Rangnick có trong tay một lực lượng cầu thủ cỡ… 1 tỷ bảng, như lực lượng M.U mà ông chuẩn bị huấn luyện. Người ta đã từng so sánh, xếp hạng, rằng M.U – chứ không phải Liverpool, Man City hay Chelsea – là đội bóng có lực lượng tổng thể hùng hậu nhất Premier League mùa này. Chẳng qua, M.U lụn bại vì HLV trưởng quá kém, không biết cách khai thác tài năng cầu thủ.
Bây giờ, chưa biết các cầu thủ M.U phù hợp với quan điểm bóng đá của Rangnick đến mức độ nào. Nhưng chắc chắn là không thiếu người, khi nhìn vào mớ ngôi sao tại Old Trafford. Và đấy là còn chưa bàn đến đợt chuyển nhượng giữa mùa, ngay trong tháng tới!
Nếu như Rangnick cần những cầu thủ tấn công có đặc điểm phù hợp với việc tích cực gây áp lực khi mất bóng vào chân hàng thủ đối phương, thì ngay trong trận hòa Chelsea vừa qua, Marcus Rashford và Jadon Sancho đã tỏ rõ rằng họ sẽ đáp ứng được yêu cầu này.
Suy cho cùng, M.U may mắn ghi bàn từ pha mất bóng của Jorginho bên phía Chelsea, nhưng nếu không tích cực ập vào tranh chấp thì may mắn ấy đã không đến với Sancho. Mặt khác, nếu Sancho không đủ tự tin để tung cú dứt điểm quyết đoán vào lưới Edouard Mendy, thì cũng sẵn có Rashford ngay bên cạnh để chuyền bóng, trong tình huống ấy.
Không nên bàn mãi “ảnh hưởng của Rangnick”. Kể cả khi Rangnick đã huấn luyện, thì đâu thể có ngay đường nét đặc trưng trong vài ngày, thậm chí vài tuần!
Trên thực tế, M.U “thua” đến 3-24 trong “tỷ số” sút cầu môn. Họ chỉ “đỗ xe bus” và phòng thủ tiêu cực. “Tỷ số” về cái gọi là xG tức khả năng thành bàn của những cú sút, theo lý thuyết, còn chênh lệch hơn nữa. Vấn đề ở đây là: nếu như M.U hoàn toàn chưa liên quan gì đến Rangnick mà vẫn thể hiện được các chi tiết ông thích, thì “nhãn hiệu Rangnick” sẽ càng dễ được phát huy khi ông đã huấn luyện thật sự.
Có bột mới gột nên hồ. Mà ở đây, M.U không chỉ có Rashford với Sancho. Còn có Fred ở khu giữa sân, cũng vừa nêu cao tinh thần thi đấu (Fred dở ở những chỗ khác, không liên quan). Và, như đã nêu, M.U còn biết bao nhiêu hảo thủ trong danh sách, để Rangnick tha hồ xem xét, sử dụng.
M.U biết… đoạt lại bóng
Khi xem lại trận Chelsea – M.U vừa qua, Ralf Rangnick có thể yên tâm một điều: cầu thủ M.U đoạt lại được bóng ở 1/3 mặt sân phía cầu môn đối phương khá nhiều (6 lần, trong hoàn cảnh quả bóng thường chỉ lăn trên phần sân M.U). Đây là số lần đoạt lại bóng trên phần sân đối phương cao nhất của M.U, tính từ sau trận thắng Newcastle 4-1 hồi tháng 9. Không phải nói thêm: đoạt lại bóng là yếu tố cốt lõi trong thứ bóng đá ưa thích của Rangnick.
2. Tuy lần lượt rời sân ở phút 64 và 77, nhưng Jadon Sancho (17 lần) và Marcus Rashford (19 lần) vẫn là hai cầu thủ có số lần chạy ở tốc độ cao nhiều nhất trong trận Chelsea – M.U. Đây là chi tiết quan trọng trong lối chơi ưa thích của HLV Ralf Rangnick.